Thông tin cần biết

Hôm nay, Chủ Nhật, 28/04/2024

Đăng ký nhận tin

Cải thiện chất lượng nhân lực trẻ - Thách thức lớn trong thời hội nhập

30/05/2016 08:47 SA

(HQ Online)- Chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã tạo nên một dấu mốc quan trọng trên tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cùng với cơ hội rộng mở, TPP cũng đem đến cho Việt Nam bài toán khó: Nâng cấp nguồn nhân lực trẻ.

 

Các chuyên gia về kinh tế đang hi vọng, TPP sẽ giúp Việt Nam giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp.

Theo phân tích của các chuyên gia, sau khi TPP được thực thi, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng trong khi kim ngạch xuất khẩu thì ngược lại. Đồng thời, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0%, khiến doanh thu về thuế giảm. Cũng như các quốc gia khác, tham gia TPP đồng nghĩa với việc Việt Nam phải điều chỉnh cắt giảm các hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan như chi phí vận chuyển, thủ tục chờ nhập khẩu...

Ngoài ra, TPP cũng sẽ tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là cơ cấu ngành “mũi nhọn” xuất khẩu. Nhiều khả năng, những ngành kém khả năng cạnh tranh như: chăn nuôi, khai thác và chế tác gỗ, khai khoáng, công nghiệp nặng… sẽ chịu thiệt hại ở nhiều mức độ. Để ứng biến trong thời cơ hội nhập mới, các ngành này cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Trái lại, những ngành giàu tiềm năng phát triển như: dệt may, khai thác và chế biến thủy sản, nông sản... cần nhanh chóng cải thiện nguồn nhân lực, chủ động bồi dưỡng tay nghề, xây dựng đội ngũ nhân công chất lượng cao, sẵn sàng hoạt động hết công suất, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.

Có thể thấy, người lao động và chất lượng lao động giữ vai trò quan trọng sau khi Việt Nam gia nhập TPP. Cho đến nay, mặc dù đã tiến hành “rà soát” hệ thống pháp lý theo hướng tương thích với các cam kết quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn cần tiếp tục điều chỉnh các nội dung liên quan tới người lao động và đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; Quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 Chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; Cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; Nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm…

Bên cạnh đó, sau khi gia nhập TPP, thay vì phát triển đội ngũ lao động phổ thông giá rẻ như một lợi thế những năm qua, Việt Nam cần gia tăng số lượng lao động chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực trẻ. Tuy nhiên, đây lại là bài toán khó.

Hiện nay, các ngành sản xuất, dịch vụ của Việt Nam đều đang đối mặt với vấn đề chất lượng lao động trẻ, bao gồm cả kỹ năng và tinh thần làm việc. Có thể thấy, trong nhiều năm qua, tỷ lệ thất nghiệp luôn thấp nhất ở mảng lao động không đòi hỏi bằng cấp và tay nghề cao như: như công nhân xây dựng, may mặc, giày da, công nhân vệ sinh…; tuy nhiên, lại đặc biệt cao ở nhóm lao động có trình độ học vấn, bao gồm: sinh viên, cử nhân, kỹ sư, thậm chí cả thạc sĩ… Đây thực sự là một mâu thuẫn khi nhóm người trẻ được đào tạo kỹ càng và bài bản từ 3 đến 5 năm lại không có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Các chuyên gia về kinh tế đang hi vọng, TPP sẽ giúp Việt Nam giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Theo số liệu của Bộ Công Thương, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng thêm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, để có được kết quả này, chúng ta cần nhanh chóng cải thiện chất lượng của đội ngũ lao động, đặc biệt là nhân công trẻ.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Tòa nhà PMC phân tích: Nguồn nhân lực trẻ có trình độ thấp là một rào cản khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Khi đó, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp hợp tác kinh tế đa phương và các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng giành được quyền chủ động tại thị trường Việt Nam do sự cởi mở của luật pháp và chính sách.

Các luồng di dân tự do, hàng hóa tự do, nguồn lao động tự do… sẽ tiếp cận thị trường kinh tế Việt Nam, gây ra áp lực cạnh tranh lớn với chính các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam với mô hình quản trị, thể chế quản trị và chiến lược kinh doanh cũ và nguồn nhân lực yếu kém về tay nghề sẽ không thể “đọ lại” các nhân lực có trình độ tay nghề cao từ các nước như Thái Lan, Philippines… vốn có nền tảng vững mạnh về quản trị lao động, quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh bài bản và phát triển bền vững.

Trong hoàn cảnh đó, lao động Việt Nam có khả năng chỉ có thể đảm nhận các công việc yêu cầu tay nghề thấp. Bài học “nhãn tiền” chính là Singapore. Tại quốc gia này, một số nghề có tính rủi ro, nguy hiểm cao như công nhân dọn đường phố, công nhân xây dựng chủ yếu do nguồn lao động nhập cư từ Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka… đảm trách.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, sau khi gia nhập TPP, Việt Nam cần gấp rút nâng cấp công nghệ và quản trị, nếu không, chúng ta sẽ gặp bất lợi, chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may – nhóm ngành theo lý thuyết được hưởng lợi từ TPP. Do ngày càng có nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào dệt may để tận dụng lợi thế từ TPP nên nguồn cung ứng lao động có thể sẽ bắt đầu cạn kiệt, khiến chi phí lao động gia tăng trong những năm tới. Áp lực này sẽ còn lớn hơn do lịch trình tăng lương tối thiểu theo định kỳ của chính phủ và đặc biệt là quyền được có công đoàn độc lập của công nhân theo quy định của chính TPP.

Thực tế, nếu không thể cải thiện công nghệ và quản trị để nâng cao năng suất thì các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp đa quốc gia trong dài hạn.
Nguồn: Báo Hải Quan  


» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.121.214
Khách
: 389
 
Cải thiện chất lượng nhân lực trẻ - Thách thức lớn trong thời hội nhập Rating: 5 out of 10 71015.
Core Version: 1.8.0.0