Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 27/04/2024

Đăng ký nhận tin

Thông tư 37 vẫn rối như canh hẹ

01/06/2016 09:22 SA
(HQ Online)- Kể từ khi đi vào thực hiện cho đến nay, Thông tư 37/2015/TT-BCT liên tục bị DN “phản ứng” do làm phát sinh thêm chi phí của DN, thậm chí còn bị coi là một bước “cải lùi” so với Thông tư 32/2009/TT-BCT trước đó. Phía cơ quan chức năng luôn viện dẫn quy định đang tạo thông thoáng cho DN, còn DN khi thực hiện khó vẫn hoàn khó.

 

Theo quy định của Bộ Công Thương, thời gian kiểm tra hàng mẫu là 1 ngày. Ảnh: Danh Lam.

Gỡ càng thêm vướng

Hiếm khi nào Bộ Công Thương lại “mong ngóng” sự có mặt cũng như tham gia đóng góp ý kiến của DN đến vậy. Một hội thảo được tổ chức để “nói lại cho rõ”, giải quyết những khúc mắc mà DN dệt may đang vướng phải từ khi thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Thế nhưng, chỉ có duy nhất 5 DN tham gia cùng với sự hiện diện của đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) phải thốt lên rằng: “Tôi rất ngạc nhiên khi chỉ có 5 DN tham gia. Tôi còn nghĩ rằng, sẽ có rất nhiều ý kiến được nêu ra tại hội nghị này”.

Khi được hỏi vì sao lại chỉ có ít DN đến tham gia hội nghị, đại diện của Bộ Công Thương nói không biết, VITAS cũng… không hay. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký VITAS khẳng định: “Bộ có nhờ Hiệp hội mời DN nhưng không hiểu vì sao chỉ có ít DN tham gia. Nhiều DN “kêu” cứ “kêu” nhưng lúc cần tham gia ý kiến lại không tham gia. Vấn đề này đã từng xảy ra”.

Câu hỏi đặt ra là có phải DN “chán” những cuộc họp như vậy vì có “kêu” cũng không được thấu, kêu rồi vẫn đâu hoàn đấy, khó khăn vẫn không được giải quyết. Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải tuy nhiên, có một vấn đề đã “lộ” ra khi DN dệt may nêu ý kiến tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây.

Theo Bộ Công Thương, Thông tư 37 xuất phát từ tinh thần từ Nghị quyết 19 của Chính phủ nhằm giảm thiểu những khó khăn, vướng mắc của DN nên có nhiều sửa đổi với Thông tư 32. Điểm nổi bật là ngoài cơ chế kiểm tra thông thường như quy định tại Thông tư 32 thì Thông tư 37 thêm các hình thức kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác xuất. Song phía DN cho rằng, dù Bộ Công Thương đã “cứu” DN bằng Thông tư 37 nhưng khó khăn của DN vẫn chưa được “giải”.

Điểm khó khăn nhất mà các DN dệt may hiện đang mắc phải và muốn đưa ra khỏi Thông tư 37 là quy định kiểm tra hàng mẫu. Ông Trương Đình Út, Công ty May Nhà Bè cho biết, từ năm 2009, khi có Thông tư 32 tiền thân của Thông tư 37 đến nay, May Nhà Bè đã nhập về hàng chục ngàn lô hàng mà không một lô nào trong số đó có mẫu vượt quá tiêu chuẩn. Bởi lẽ DN đã thỏa thuận theo hợp đồng với nhà cung cấp, nếu lô hàng mẫu nào không đạt thì phải tái xuất và nhà cung cấp phải chịu mọi chi phí. Ông Út nói thêm: “Kiểm tra trong vòng 3 ngày mới có kết quả. Chúng tôi đã phải chịu chi phí lưu kho, lưu bãi, đội chi phí sản xuất lên. Thông tư 37 còn gây khó khăn hơn cho DN so với Thông tư 32. Đây là vấn đề hầu như DN nào cũng vướng chứ không chỉ May Nhà Bè”.

Cùng chung khó khăn này, đại diện của Công ty Minh Trí cũng đề nghị không kiểm tra hàng mẫu. Vị này nêu dẫn chứng: “Chúng tôi nhập một lô hàng mẫu 5 chiếc khác nhau, đi kiểm định từ 23-5 mà đến 26-5 vẫn chưa lấy được kết quả để thông quan. Hồi tháng 3, chúng tôi cũng mang một lô 12 áo mẫu đi kiểm tra thì bị đơn vị kiểm nghiệm giữ lại hai áo mẫu. Họ giữ lại 2 mẫu thì chúng tôi lấy gì làm mẫu nữa”.

“Vênh” vì con chữ?

Lại một lần nữa, đại diện của Bộ Công Thương thể hiện sự ngạc nhiên khi DN nêu ra vướng mắc. Ông Cường dẫn ra khoản C, mục 1, điều 11 của Thông tư 37 quy định “sản phẩm dệt may NK phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc làm hàng mẫu; hàng tham gia triển lãm, hội chợ; vải NK phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa XK và vải NK là nguyên liệu của DN chế xuất sau khi kết thúc hợp đồng và chuyển sang tiêu thụ nội địa: không quá 30m/mẫu vải hoặc 5 sản phẩm/mẫu. Thời gian kiểm tra là 1 ngày” và “chất vấn” vị đại diện của Công ty Minh Trí: “Vì sao quy định chỉ kiểm tra hồ sơ mà chị lại mất mẫu?” Với câu trả lời của DN “vì đơn vị kiểm nghiệm yêu cầu”, ông Cường tiếp tục hỏi: “Sao không đưa Thông tư ra? DN phải dựa vào khung pháp lý. Thông tư yêu cầu chỉ kiểm tra hồ sơ thì tại sao phải đưa mẫu? Thông tư 37 cũng chỉ yêu cầu 1 ngày, sao phải đợi đến 2, 3 ngày?”.

Từ cuộc “đối chất” giữa cơ quan quản lý với DN có thể nhận thấy, có độ “vênh” giữa chính sách với quá trình thực thi. Khoảng trống này sẽ khó được giải quyết khi nhiều DN cho rằng, diễn đạt trong Thông tư 37 không rõ ràng dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau.

Bàn tiếp về việc dễ gây hiểu nhầm, ông Trương Đình Út đặt câu hỏi với vị Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ: “Không hiểu vải NK thì thuộc hạng mục nào? Bởi theo cách hiểu của chúng tôi, vải NK không phải là sản phẩm dệt may được quy định trong khoản C, mục 1 điều 11 mà Bộ Công Thương vừa đề cập”. Tuy nhiên, đáp lại câu hỏi này, ông Cường một lần nữa dẫn lại quy định tại khoản C, mục 1, điều 11 của Thông tư để khẳng định, vải NK chính là “sản phẩm dệt may”.

“Độ vênh” giữa chính sách cho đến thực thi còn thể hiện trong quy định “thời gian kiểm tra là 1 ngày”. Một DN phản ánh với phóng viên Báo Hải quan rằng, Thời gian kiểm nghiệm 1 ngày thì tiền phí gấp đôi. Một mẫu xét nghiệm trong 3 ngày có kết quả trả ra có giá 400.000 đồng/mẫu nhưng nếu muốn sáng nộp chiều lấy thì mức giá là 800.000 đồng/mẫu. Hơn nữa, hiện chỉ có 3 đơn vị được chỉ định thực hiện kiểm tra theo Thông tư 37 nhưng DN chủ yếu dồn vào Viện Dệt may để làm giám định bởi chi phí của tổ chức giám định nước ngoài có giá đắt hơn khoảng 1,2 triệu đồng/mẫu. Các DN đổ dồn về Viện Dệt may, trong khi nhân lực của Viện này có hạn thì làm sao có thể giải quyết tất cả các mẫu cho DN trong ngày. Điều này là không thể!”, đại diện DN này nói.

Như vậy, cho đến thời điểm này, sự việc vẫn chưa ngã ngũ bởi sự không thống nhất trong câu từ của Thông tư 37. Thiết nghĩ, Bộ Công Thương cần tiếp thu các ý kiến để có thể sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho DN theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19 đã đề ra.

Nguồn: Báo Hải Quan
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.712
Khách
: 1.052
 
Thông tư 37 vẫn rối như canh hẹ Rating: 5 out of 10 88037.
Core Version: 1.8.0.0