Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 27/04/2024

Đăng ký nhận tin

Nâng tầm giá trị dệt may: Phát triển thương hiệu quốc tế

04/01/2024 10:44 SA
Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp Việt cũng không ngừng đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm với thương hiệu riêng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, đồng thời, kỳ vọng từng bước đưa sản phẩm thâm nhập thị trường quốc tế.

Khoảng chục năm trở lại đây, ngành dệt may Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của những thương hiệu có uy tín với hàng loạt các dòng sản phẩm, nhãn hiệu mới được "ra lò", trong số đó, không ít dòng sản phẩm được xây dựng với chiến lược và hướng đi bài bản,...

Tạo bệ đỡ

Mới đây, Tổng công ty May 10 đã đưa ra thị trường hai dòng sản phẩm mang thương hiệu Generos và DeTheia nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ðối với thương hiệu Generos sẽ hướng tới phân khúc khách hàng trẻ tuổi, được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới, phong cách trẻ trung, năng động; còn DeTheia là dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới.

Không chỉ hai dòng sản phẩm trên, nhiều năm trước, May 10 đã không ngừng đầu tư, thiết kế và đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế như dòng sản phẩm Eternity GrusZ, May10 M series hay dòng sản phẩm ECO là một trong những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng riêng, gần gũi với thiên nhiên. Các sản phẩm này gồm các chất liệu tơ tằm, Linen, các loại vải sợi tự nhiên,... không gây hại cho môi trường và người sử dụng.

Chia sẻ về quá trình phát triển thương hiệu, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt khẳng định, đơn vị đã có những bộ sưu tập riêng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Với quy mô 12 nghìn lao động, riêng các nhà thiết kế, bộ phận phát triển mẫu, phát triển thị trường,... lên tới hơn 300 người sẽ giúp May 10 sớm đạt mục tiêu tăng tỷ trọng ODM (thiết kế-sản xuất-bán thành phẩm), ngoài tỷ trọng tăng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) hiện nay. Bên cạnh xuất khẩu, ngay từ những năm 1992, đơn vị đã xây dựng thương hiệu May 10 bán tại thị trường nội địa. Với thương hiệu này, May 10 làm theo phương thức OBM (sản xuất, gắn thương hiệu gốc), không khác gì những nhãn hiệu thời trang toàn cầu, chỉ khác ở chỗ bán tại thị trường trong nước. Qua đó, từng bước tiếp cận nhằm phát triển ở thị trường thế giới, với việc xuất khẩu thương hiệu của chính May 10, thay vì đang làm FOB hay ODM cho các thương hiệu nước ngoài. "Ðây là cái May 10 đã nhìn thấy chuỗi giá trị và phân tích rất rõ trong chiến lược hơn 77 năm hình thành và phát triển, đồng thời, tập trung sâu vào việc nâng cao giá trị trong chuỗi thay vì làm gia công đơn thuần" - ông Thân Ðức Việt nhấn mạnh.

Với hơn 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên toàn quốc, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đã từng bước khẳng định được tên tuổi và vị thế trên thị trường với những thương hiệu nổi tiếng như Viettien, Viettien Smartcasual San Sciaro, Manhattan, T-up, Vietlong, Camellia,...

Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến Bùi Văn Tiến cho rằng, mục tiêu đến năm 2030, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, hướng tới đạt tỷ trọng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Tiến chiếm từ 10 đến 15% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,2 đến 1,4 tỷ USD toàn hệ thống.

Bên cạnh May 10, Việt Tiến hiện có rất nhiều doanh nghiệp như may Ðức Giang, Nhà Bè,... cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển thương hiệu, trong đó, không ít doanh nghiệp đã xây dựng cả chiến lược nhằm đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, do Việt Nam không có nền công nghiệp thời trang nên nhân sự cho ngành vừa yếu, vừa thiếu. Xuất phát điểm từ chỗ không có kinh nghiệm, công nghiệp phụ trợ, hệ thống phân phối sẵn có nên doanh nghiệp phải tự vận động bằng cách vừa học, vừa làm.

Chính điều này đã làm chậm quá trình phát triển của doanh nghiệp. Mặt khác, ngành thời trang đòi hỏi sự sáng tạo thường xuyên, liên tục, vì vậy doanh nghiệp phải đầu tư nhiều vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm để đem đến cho khách hàng những sản phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ðặc biệt, phải liên kết, xây dựng được thương hiệu lớn, mang tầm vóc quốc tế cũng như hệ thống phân phối nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thế giới.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm nhận định: Không chỉ công nghệ, khâu dệt nhuộm hoàn tất mà khâu thiết kế hiện cũng rất yếu. Nhiều nhãn hàng nội địa nổi tiếng tại thị trường trong nước, nhưng cũng không thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu đó ra thế giới nên giá trị gia tăng không cao.

Chủ động nguồn nguyên phụ liệu

Hiện nay, dệt may Việt Nam đang nằm ở vùng trũng, vùng thấp trong chuỗi dệt may toàn cầu. Nếu chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, đẩy mạnh được khâu thiết kế chắc chắn giá trị mang lại sẽ cao lên. Ðó còn chưa nói tới khâu phân phối, khi làm được điều này giá trị gia tăng rất cao.

Tuy nhiên, ngoài khó khăn về tài chính, các cơ chế chính sách hiện đang là các rào cản cho sự phát triển còn có những khó khăn khác như về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất đang thiếu và yếu. Có nhiều nhà máy đầu tư vốn rất lớn nhưng bị thất bại do thiếu nguồn lực chất lượng cao,...

Ðề cập tới vấn đề này, TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng, trong phát triển thời trang, khâu thiết kế chiếm vai trò hết sức quan trọng, chính vì vậy, các trường đào tạo cử nhân thiết kế thời trang đều trang bị những gì mới, tối tân nhất phục vụ công tác giảng dạy. Trong đó, có thể kể đến phần mềm 3D ảo với tiện ích vừa có thể tích hợp lựa chọn nguyên liệu, vừa thiết kế sản phẩm cơ sở, vừa phát triển bộ sưu tập thời trang và tổ chức sàn trình diễn thời trang ảo cho khách hàng xem và duyệt mẫu cũng như đưa ra yêu cầu điều chỉnh, thay đổi mầu sắc, chất liệu,... ngay trên mô hình ảo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đưa vào chương trình đào tạo đại học ngành thiết kế thời trang tất cả các xu thế mới của thế giới như thời trang xanh, thời trang tái chế nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể ứng dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong thiết kế, sản xuất,...

Ðể hiện thực hóa giấc mơ và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu không còn con đường nào khác bắt buộc các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, phải chuyển đổi sang phương thức sản xuất ODM, OBM nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, đặc thù của ngành dệt may là cung ứng theo chuỗi. Người thiết kế sở hữu các thương hiệu thời trang thường lựa chọn cả chuỗi cung ứng từ sản xuất nguyên liệu, sản xuất sản phẩm dệt may, vận chuyển, phân phối. Nếu có quy mô xuất khẩu lớn và những lợi ích thuế quan tốt, quy tắc xuất xứ từ Việt Nam được hưởng lợi thế trên thị trường dệt may thế giới thì việc thúc đẩy, lựa chọn Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong chuỗi cung ứng sẽ được tiến hành nhanh hơn. Tuy nhiên, muốn thực hiện chuỗi cung ứng thành công, Việt Nam cần đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ mà cụ thể là sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.

Ngành dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng có tới 60-70% tỷ lệ nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại... Xuất khẩu dệt may đã đạt 40,3 tỷ USD nhưng chúng ta phải bỏ ra hơn 23,2 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khiến giá trị thu về của ngành rất nhỏ so với hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đạt được hằng năm.

Chính vì vậy, không còn con đường nào khác phải thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, trong đó, cần thành lập được những cụm công nghiệp để tập trung sản xuất nguyên phụ liệu, giải quyết nút thắt về xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong cụm công nghiệp nguyên phụ liệu về thuế đất, thuế VAT, thu nhập, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư,...

Mặt khác, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất, chuyển đổi phương thức sản xuất từ cắt may sang phương thức FOB, ODM, OBM để gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm; tiếp tục xu thế sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và lấy đó là tiêu chí cạnh tranh cho dệt may Việt Nam.

Bài: Hoàng Anh - Báo Nhân dân

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.353
Khách
: 689
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Nâng tầm giá trị dệt may: Phát triển thương hiệu quốc tế Rating: 5 out of 10 27426.
Core Version: 1.8.0.0