Thông tin cần biết

Hôm nay, Chủ Nhật, 28/04/2024

Đăng ký nhận tin

Dệt may: Lợi nhuận không tăng theo doanh thu

04/03/2017 09:52 SA

Kết quả kinh doanh qua báo cáo tài chính của các DN dệt may đã phần nào phản ánh những khó khăn mà những DN này đang phải đối mặt, trong đó nhu cầu tiêu thụ yếu tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… và chính sách giữ tỷ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số ngoại tệ, khiến hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn và giảm sức cạnh tranh.

 

Sản suất hàng dệt may XK tại Công ty May Sài Gòn 3.

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Năm 2016, doanh thu thuần của Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) tăng 10%, đạt 3.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 25%, chỉ đạt 114 tỷ đồng. So với kế hoạch đã đề ra hồi đầu năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của TCM chỉ đạt lần lượt 94% và 72%. Theo phân tích của Công ty chứng khoán VCBS, sự tăng trưởng về doanh thu thuần của TCM thời gian qua chủ yếu đến từ doanh thu đóng góp thêm của nhà máy Vĩnh Long và doanh thu của hoạt động xuất khẩu nhờ USD tăng giá so với VND. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm mạnh do mảng sợi tiếp tục gặp khó khăn. Ngoài ra, giá đầu ra của sợi không tăng trong khi giá nguyên liệu bông cotton bắt đầu tăng mạnh trở lại từ tháng 3/2016 do các nước xuất khẩu bông chính là Pakistan và Ấn Độ bị mất mùa. Do vậy, biên lợi nhuận của mảng này vẫn ở mức thấp khoảng 2% (so với cùng kỳ trước đó là 6%). Thêm vào đó, nhà máy Vĩnh Long đi vào hoạt động từ tháng 7/2015 khiến chi phí khấu hao của TCM trong năm 2016 tăng mạnh so với năm 2015 khoảng 24%.

Tương tự, tại Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK), trong quý IV/2016, công ty đạt doanh thu tới 411 tỷ đồng, gần gấp 4 lần doanh thu cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng thêm tới 335% nên lợi nhuận gộp còn lại chỉ gần 31 tỷ đồng, tăng 18% so với quý IV/2015. Sau khi trừ các chi phí, STK lỗ ròng 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 có lãi gần 10 tỷ đồng. Theo lý giải của ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc STK, mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng giá bán trong quý IV/2016 của công ty lại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 khoảng 9% do sức cầu yếu, cung dư thừa và sự cạnh tranh bán phá giá của các công ty Trung Quốc trên thị trường nội địa và quốc tế. Trong khi đó, các chi phí sản xuất như nguyên vật liệu, điện, chi phí lao động và quản lý trong kỳ không hề giảm so với năm 2015. Không những thế, công ty còn chịu gánh nặng từ chi phí lãi vay và trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, chi phí tài chính quý IV/2016 của STK là 21 tỷ đồng, gần gấp đôi so với quý IV/2015. Lũy kế cả năm 2016, lợi nhuận sau thuế của STK chỉ vỏn vẹn 25 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận 71 tỷ đồng của năm 2015.

Tương tự, doanh thu quý IV/2016 của Công ty CP đầu tư dệt may G.Home tăng 14%, đạt 96 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 32%, chỉ đạt 1,7 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hách, Chủ tịch HĐQT G.Home, trong kỳ các khoản chi phí của công ty đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 30%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 59%, các chi phí khác cũng có mức tăng tới 45%. Chính những yếu tố này đã dẫn tới sự sụt giảm lợi nhuận của công ty so với cùng kỳ năm trước. Ông Hòa kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của STK sẽ được cải thiện trong năm 2017 khi công ty đẩy mạnh việc bán các sản phẩm có giá trị gia tăng như sợi tái chế và giá cả trên thị trường đang dần hồi phục nhờ cán cân cung cầu trên thị trường dần được cải thiện hơn.

Trong khi đó, tại Công ty CP SX-KD và XNK Bình Thạnh (GIL), doanh thu quý IV/2016 của đạt 260 tỷ đồng, giảm 12% so với quý IV/2015; lợi nhuận sau thuế của công ty âm 1,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2015 lãi gần 19 tỷ đồng. Theo Tổng giám đốc GIL Lê Hùng, trong kỳ, những đơn hàng có giá trị cao chưa đến thời gian giao hàng. Đồng thời, công ty cũng chịu thiệt hại do biến động tỷ giá. Cụ thể, chi phí tài chính trong quý IV/2016 của GIL là 34,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2015.

Mất dần lợi thế

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Maritime (MSI), sự cạnh tranh trong ngành dệt may đang ngày càng trở nên gay gắt. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc… khi các nước này đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ của họ, đặc biệt là về chính sách tỷ giá yếu so với đồng USD để phát triển ngành dệt may và thu hút đơn hàng, ngoài ra chi phí gia công ngành may trong 3 năm gần đây của các nước này lại không tăng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang mất dần lợi thế về chi phí nhân công giá rẻ. Chỉ tính từ giai đoạn 2008–2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI tăng 18,1%/năm. Từ 1/7 tới, mức lương tối thiểu vùng sẽ tiếp tục tăng lên từ 2,58 triệu đồng đến 3,75 triệu đồng/tháng đối với người lao động. Điều này sẽ khiến ngành dệt may phải chịu nhiều áp lực vì chi phí đóng BHXH, BHYT tăng cao… làm cho giá thành cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Trong năm 2016, các khách hàng dệt may truyền thống của Việt Nam đã dần có xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang các nước có chi phí sản xuất thấp hơn như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ... Các nước này không có quy định tăng lương tối thiểu hàng năm và tỷ lệ đóng bảo hiểm cũng thấp hơn chỉ ở khoảng 18% (trong khi Việt Nam là 22%).

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật đều sử dụng đồng USD. Hiện tại, đồng USD đã tăng giá so với đồng Euro và JPY, đặc biệt sau khi FED tăng lãi suất. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD không đổi nhiều trong năm 2016 theo chính sách giữ ổn định tỷ giá của Chính phủ khiến giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam tại các thị trường này đắt hơn, giảm sức cạnh tranh.

Nguồn: Khải Kỳ/Báo Hải Quan

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.844
Khách
: 17
 
Dệt may: Lợi nhuận không tăng theo doanh thu Rating: 5 out of 10 71310.
Core Version: 1.8.0.0