Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 03/05/2024

Đăng ký nhận tin

TOÀN CẢNH: Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP

18/05/2016 04:27 CH

Ngày 18/5, TS. Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngày 28/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, với những nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015, giới thiệu các nội dung cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp, cách thức và kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết đối với các bộ, địa phương.

Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp đã chia sẻ, kiến nghị giải quyết những vướng mắc, khó khăn liên quan tới chính sách và thủ tục hành chính trên các lĩnh vực của môi trường kinh doanh: Thuế, phí; điều kiện kinh doanh; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký sở hữu tài sản; hải quan và quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp cận điện năng; tiếp cận tín dụng; thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng; thủ tục phá sản.

Theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, đã 3 lần Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, qua 3 năm chúng ta thu được nhiều kinh nghiệm. Nhìn chung các bộ, ngành chưa tích cực, ngoại trừ Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Thuế); do vậy phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm…

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới (thể hiện rõ nét qua Nghị quyết 35), xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ông Cung kỳ vọng tinh thần đó sẽ được “thấm xuống các bộ ngành, địa phương”.

Ông Cung mong muốn, các cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia tích cực, nay hãy tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong việc phản ánh, góp ý, giám sát… để cơ quan Nhà nước thực hiện Nghị quyết 19 với hiệu quả cao nhất.

Nhiều mục tiêu tham vọng

Ông Michel, Giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết, trong năm 2015 Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 19 năm 2015 và được WB ghi nhận. Kế thừa những kết quả đã đạt được, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 19 năm 2016.

Theo ông, Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ Việt Nam đã đề ra những mục tiêu tham vọng hơn trong thực hiện cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam (đạt mức trung bình của ASEAN-4 vào năm 2017; ASEAN-3 vào năm 2020); đồng thời bổ sung tiêu chí, chỉ tiêu mới theo chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; kêu gọi các DN tham gia tích cực hơn trong việc rà soát, đánh giá các chính sách, thường xuyên trao đổi với cơ quan Nhà nước về những vướng mắc để cùng tháo gỡ…

Đại diện USAID hy vọng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của các bên liên quan, những mục tiêu cải cách được nêu trong Nghị quyết 19 sẽ được hiện thực hóa.

USAID mong tiếp tục được hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam để cùng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP/Đình Nam

* 9.00': Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương báo cáo kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19. Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được qua 2 năm thực hiện cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời chỉ rõ những bất cập trong các lĩnh vực: PCCC; cấp phép xây dựng; đăng ký sở hữu; tiếp cận tín dụng; bảo vệ nhà đầu tư; giải quyết tranh chấp hợp đồng; phá sản doanh nghiệp...

Tiếp đó, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trình bày những nội dung cơ bản và một số điểm mới của Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ ( toàn văn Nghị quyết 19 ).

Theo đó, ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Trong Nghị quyết, Chính phủ phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN-4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN-3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Xác định rõ mục tiêu, tiến độ

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 30/5/2016, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành.

Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan và cá nhân trong việc triển khai thực hiện. Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.

Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính. Giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016. Đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, theo đó, chỉ hàng hóa nhập khẩu trên quy mô thương mại mới thuộc diện phải kiểm tra; mã hóa chi tiết mặt hàng cần kiểm tra. Áp dụng kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận; chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...). Chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chất lượng hàng hóa, hiệu suất năng lượng, an toàn thực phẩm trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan (trừ kiểm dịch đối với trường hợp mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước thực hiện kiểm tra tại khâu sản xuất và trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông; đối với hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thực hiện tại cơ sở sản xuất trước khi xuất hàng.

Chuẩn hóa thủ tục, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công khai các thủ tục hành chính đã được các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn hóa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia trước 30/6/2016. Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/1/2015 và niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên mạng Internet và tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Điện tử hóa thủ tục(nộp hồ sơ, trả kết quả…) kiểm tra chuyên ngành; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để giảm thiểu giấy tờ, hướng tới mục tiêu phi giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện.

Xây dựng năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp...; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Bãi bỏ các quy định không phù hợp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh; sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Xây dựng Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, rà soát, phối hợp với Bộ Tư pháp kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp hoặc các quy định đã được ban hành trái thẩm quyền; thực hiện công bố đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Củng cố và cải thiện thứ hạng và điểm số của Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định (sửa nhiều Nghị định) để giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; thống nhất cách hiểu về “điều kiện kinh doanh” đơn giản hóa và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, trình Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2016.

Phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ chế liên thông kết nối thông tin về doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước (Kế hoạch và Đầu tư, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng...) và trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp những doanh nghiệp đã và đang giải quyết thủ tục phá sản, danh sách các quản tài viên trên toàn quốc; rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống còn 3 ngày theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực phân tích chính sách cho khu vực tư nhân, nhất là các chính sách tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động

Bộ Tài chính thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế; công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm kết nối thông tin giữa các bộ, cơ quan và đơn vị quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng thông tin một cửa quốc gia. Phối hợp với các bộ, cơ quan và đơn vị quản lý chuyên ngành xây dựng hệ thống thông tin thống nhất.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, tập trung xử lý các thủ tục hải quan còn nhiều bất cập theo hướng thay đổi phương thức quản lý, hiện đại hóa (giám sát hàng hóa tại cảng biển; miễn thuế, hoàn thuế và xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát; quản lý rủi ro và phân luồng hàng hóa; kiểm soát tại cửa khẩu; thanh khoản tờ khai nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu; kiểm tra sau thông quan; kiểm tra thực tế hàng hóa…). Công khai tiêu chí đánh giá, có hệ thống cảnh báo; công khai lý do doanh nghiệp bị phân vào luồng vàng, đỏ và hằng năm giảm tỉ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ. Công bố bảng mã cảng trên website. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện hải quan tự động, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống.

Thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng nhằm giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa, container tại các cảng biển; rà soát, sửa đổi các quy định về phí kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp và minh bạch trách nhiệm trả phí. Xác định rõ danh mục kiểm tra chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước và kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình và thủ tục kê khai thu và chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội tập trung của cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Bộ Công Thương thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp; rà soát, đôn đốc các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đối với hàng hóa thuộc Danh mục quản lý chuyên ngành.

Tháo gỡ vướng mắc về chứng nhận hợp quy, kiểm tra hàng nhập khẩu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết các vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 về tỉ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu theo lô sản xuất để kiểm tra; thời gian đánh giá xếp doanh nghiệp trở lại Danh sách ưu tiên kể từ ngày đánh giá lại đạt yêu cầu theo quy định; thời gian cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định, thủ tục về kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu theo hướng áp dụng phương thức quản lý rủi ro; đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục kiểm tra, kiểm dịch; áp dụng chế độ công nhận lẫn nhau. Thực hiện kiểm tra trong quá trình sản xuất và sau thông quan thay vì kiểm tra theo lô hàng và tại thời điểm thông quan. Sửa đổi, bổ sung các văn bản về kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu theo hướng chỉ kiểm dịch khi người xuất khẩu yêu cầu. Tránh kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan, nhất là đối với sản phẩm lông thú, nguyên liệu ngành sữa.

Bộ Khoa học và Công nghệ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu; có cơ chế, chính sách và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành sửa đổi quy định về thủ tục hành chính trong đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản trước tháng 12/2016. Thực hiện kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đề xuất giải pháp công khai hóa quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, quỹ đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa đất vào sử dụng. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai; xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn.

Đơn giản hóa thủ tục tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp

Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trái Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, đặc biệt là các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực thi Bộ luật Tố tụng dân sự 2014, Luật Phá sản 2014 để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian. Hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án dân sự; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan tới thi hành án dân sự theo hướng bỏ quy định niêm yết tại địa điểm của bất động sản bán đấu giá; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản đã bán đấu giá với thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho công tác thi hành án.

Bộ Nội vụ đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đánh giá và chế tài xử lý cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp phường, xã trở lên trong năm 2016.

Cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về cước và phụ cước. Thực hiện các giải pháp kiểm soát hợp lý việc thu phụ phí của các hãng tàu, ngăn chặn việc các hãng tàu áp đặt các loại phí một cách tùy tiện.

Bộ Xây dựng cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính có liên quan đến quản lý xây dựng công trình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian trong cấp phép xây dựng; đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cấp phép xây dựng. Phối hợp với các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường lồng ghép thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng.

Giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng. Đối với các dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc đất đang sử dụng hợp pháp phù hợp với quy hoạch thì được xem xét cấp giấy phép xây dựng; các khu vực không phải đất xây dựng, nhưng không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất (như đất xây dựng biển quảng cáo, trạm, cột phát sóng ngoài đô thị...) thì căn cứ văn bản chấp thuận về địa điểm của Ủy ban nhân dân cấp huyện để cấp phép xây dựng.

Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm

Bộ Y tế sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng áp dụng phương thức quản lý rủi ro; áp dụng chủ yếu kiểm tra an toàn thực phẩm sau khi thông quan thay vì kiểm tra tại thời điểm thông quan; kiểm tra trong quá trình sản xuất thay vì kiểm tra theo lô hàng.

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2012/TT-BYT về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong trường hợp sản phẩm chỉ thay đổi về kích cỡ vật liệu bao gói trước tháng 9/2016; chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thực hiện ghi nhãn phụ, dán nhãn sản phẩm, công bố hợp quy, công bố sự phù hợp theo hướng không yêu cầu áp dụng đối với nguyên liệu, thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu; sửa đổi, đơn giản hóa các quy trình, quy định, thủ tục thu, chi trả bảo hiểm y tế.

Bộ Ngoại giao đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao để thúc đẩy các đối tác sớm công nhận quy chế thị trường của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp thương mại quốc tế; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế, nhất là các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để thống nhất nhận thức và quán triệt trong thực thi.

Nâng cao năng lực của các cơ quan liên quan trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật quốc tế về đầu tư, kinh doanh, chủ động tuân thủ, nâng cao khả năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nhằm bảo vệ tối đa lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trong nước.

Mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách

Văn phòng Chính phủ mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát của Chính phủ và tổng hợp báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý. Kết quả thực hiện Nghị quyết được đưa vào đánh giá chất lượng hoạt động của từng bộ, cơ quan, địa phương tại phiên họp thường kỳ tháng 12 hằng năm của Chính phủ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tư pháp xây dựng tiêu chí, đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các bộ, cơ quan, địa phương và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức thu thập ý kiến phản biện chính sách, những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tập hợp báo cáo Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với các bộ, cơ quan, các hiệp hội doanh nghiệp lập các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội nhằm từng bước cải thiện trình độ kinh doanh và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành về Khởi sự kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh chủ trì phối hợp với cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian Khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản. Quy định cụ thể về hồ sơ hoàn công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tài sản hình thành từ quá trình xây dựng. Công khai hóa thủ tục hành chính có liên quan về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Công khai hóa quy trình, thủ tụcTiếp cận điện năng, thời gian xác nhận phù hợp quy hoạch, bổ sung quy hoạch. Bãi bỏ hoặc chuyển sang hậu kiểm đối với các thủ tục Thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, Cấp phép thi công công trình xây dựng hoặc gộp 2 thủ tục thành một thủ tục để thực hiện đồng thời với một cơ quan đầu mối. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, tiền thu từ phí, lệ phí.

Đưa Nghị quyết 19 vào cuộc sống

9.25': Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ về những thách thức Bộ Tài chính phải xử lý trong thực hiện một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực thuế, hải quan nêu trong Nghị quyết 19 năm 2016.

Ông Tuấn cho biết, để thực hiện được mục tiêu về cải cách chỉ số thông quan nêu trong Nghị quyết mới, không chỉ có trách nhiệm của Bộ Tài chính, mà còn có trách nhiệm của 13 bộ, ngành có liên quan, trong đó có những vướng mắc trong các quy định của luật hiện hành...

Đại diện Bộ Tài chính đề xuất một số nội dung liên quan đến chỉnh sửa luật; phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện một số mục tiêu chung; kiện toàn tổ chức hải quan cửa khẩu; rà soát, làm rõ các loại hàng hóa bắt buộc phải kiểm tra ở cửa khẩu... để cải thiện chỉ số thông quan qua biên giới, giảm chi phí cho DN.

9.43': Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, dù đã có nhiều cố gắng, song TPHCM vẫn chưa tạo ra được đột phá trong cải cách môi trường kinh doanh. Trong thời gian tới Thành phố xác định phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện Nghị quyết 19 năm 2016. Theo đó, sẽ phân công cụ thể nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện để cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, gia nhập thị trường, tính năng động của lãnh đạo, tiếp cận đất đai...

Bên cạnh đó, ông Minh cũng nhấn mạnh giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước; xã hội hóa các dịch vụ công... đồng thời đề nghị các bộ, ngành phối hợp với địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp mà địa phương đề xuất… nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất.

10.00'-10.15': Hội nghị giải lao

10.15': Đại diện Bộ NNPTNT cho rằng trọng tâm của Nghị quyết 19 là cải cách hành chính, đây là vấn đề liên quan đến con người, do vậy nếu người đứng đầu không quan tâm và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện thì khó có kết quả thiết thực.

Với sự quyết liệt của Bộ trưởng Cao Đức Phát, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã rà soát, đơn giản hóa, hủy bỏ, sửa đổi hàng trăm thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt, phân bón, chăn nuôi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết tất cả các câu hỏi, kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương; thực hiện đúng kế hoạch 9 thủ tục hải quan một cửa...

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ NN&PTNT vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho DN sản xuất, kinh doanh.

10.35': Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, những cải cách thủ tục về thuế, hải quan, vận tải (phí, phụ phí tàu biển), quản lý lao động... của các cơ quan quản lý nhà nước đã tác động khá tích cực đối với ngành dệt may.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, ông Cẩm cho rằng thời gian quan vẫn có nhiều quy định bất cập, gây khó khăn cho DN như: Quy định tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng năng suất lao động; đóng BHXH gắn liền với lương tối thiểu; quản lý công đoàn phí... Bên cạnh đó, ông Cẩm cũng kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra hàm lượng formaldehyt); điều kiện nhập khẩu máy in...

10.45': Đại diện Công ty Viettronics Bình Tân góp ý giảm thời gian thực hiện quy định về dán nhãn năng lượng các sản phẩm điện tử, điện lạnh (Bộ Công Thương); tạo thuận lợi trong thực hiện quy định hợp quy, hợp chuẩn trong lĩnh vực truyền hình (Bộ TTTT);...

10.55': Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ông Thịnh cho biết, để thực hiện Nghị quyết 19, Liên đoàn Luật sư sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho DN; tư vấn pháp luật, giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến DN...

Ông Thịnh cũng chia sẻ một số nội dung liên quan đến giải quyết tranh chấp; thực hiện thủ tục phá sản, quản lý tài sản DN... đồng thời kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 19 tại các bộ, ngành, địa phương; khắc phục điểm yếu trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, địa phương...

11.05': Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, Nghị quyết 19 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện Nghị quyết này tại cơ sở còn nhiều hạn chế.

Ông Nam cũng nêu một số kiến nghị đối Bộ NN&PTNT (về Thông tư 48/2013 kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu), Bộ Y tế (Nghị định 38/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP), Bộ GTVT (thu phí giao thông), Bộ Công Thương (chính sách biên mậu)... điều chỉnh một số quy định.

11.18'-11.50': Đại diện Công ty Ford Việt Nam góp ý giải quyết một số vướng mắc trong quản lý chuyên ngành; đồng thời đề nghị các bộ (Công Thương, Công an, GTVT, TTTT, VHTTDL, LĐTBXH,) phải lấy ý kiến rộng rãi các DN chịu tác động khi ban hành các thông tư...

Đại diện Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho biết việc thực hiện quy định kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm bông nhập khẩu (Bộ NN&PTNT) theo quy định hiện hành còn mất nhiều thời gian, tốn chi phí cho DN...

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của công chức; đồng thời góp ý việc ban hành, thực hiện các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn...

11.50': Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhắc lại quan điểm Chính phủ coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế; Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.

Ông Hà cho biết, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; các kiến nghị của DN sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.125.690
Khách
: 435
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0