Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 09/09/2024

Đăng ký nhận tin

8 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 23/6 - 28/6

30/06/2014 11:44 SA
Chỉ số tiêu dùng CPI tháng 6 tăng 0,3%, 6 tháng thấp nhất kể từ 2002, nhập siêu 13,1 tỷ USD từ Trung Quốc, giá xăng lại tăng 330 đồng/lít.. là những thông tin kinh tế nổi bật trong tuần qua.

Thủ tướng phê chuẩn nhân sự mới nhiều tỉnh

Thủ tướng vừa phê chuẩn việc bầu chức vụ chủ tịch UBND hai tỉnh Nam Định và Bạc Liêu. Theo đó, ông Lê Minh Khái, Phó bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu vừa được phê chuẩn giữa chức Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tại Nam Định, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định được phê chuẩn giữ chức Chủ tịch Nam Định.

Tại Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Tiến Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình.

Giá xăng tăng 330 đồng/lít

Chiều tối ngày 23/6 vừa qua, Liên Bộ Tài chính Công thương đã có thông báo mới về việc điều hành giá xăng dầu.

Theo đó, do thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tăng giá ở xu hướng tăng, nên Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán lẻ giá xăng, dầu mazut và dầu hỏa. Giá dầu diesel giữ nguyên.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp giảm mức trích quỹ bình ổn giá xăng từ 440 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; giảm mức trích quỹ bình ổn giá dầu mazut từ 410 đồng/kg xuốn 300 đồng/kg. Dầu diesel và dầu hỏa không sử dụng quỹ bình ổn. Các quyết định có hiệu lực kể từ 20h00 ngày 23/6. Giá dầu diesel giữ nguyên tại 22.530 đồng/lít

CPI tháng 6 tăng 0,3%, 6 tháng thấp nhất kể từ 2002

Sau khi giảm theo đúng quy luật vào tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang lừng lững đi lên với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước.

Tháng 6, CPI đã tăng 0,3% so với tháng trước để chốt mức tăng nửa đầu năm 2014 ở mức 1,38%, thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây.

Ở một gốc so sánh khác, so với cùng tháng năm trước, CPI cũng chỉ tăng 4,98%. Trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,23% là mức tăng bình quân thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp, mới chỉ bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm đã tạo ra nhiều dư địa cho việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý đến sát với giá thị trường hơn, qua đó, góp phần kích thích sản xuất, tăng năng suất lao động góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.

6 tháng, GDP cả nước tăng 5,18% so với cùng kỳ

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, đóng góp 2,57 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 18,18%; 38,70%; 43,12%).

Xét về góc độ sử dụng GDP của 6 tháng năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,04%, cao hơn mức tăng 4,49% của cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,80%, đóng góp 1,66 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng tăng 6,1%

Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê tại cuộc họp báo ngày 27/06/2014, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tính tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013 trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 7,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 5,9%. Riêng ngành khai thác tiếp tục giảm 2,5%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng tăng cao hơn cùng kỳ như SX xe có động cơ tăng 22,9%; dệt tăng 21,3%; SX da và các sản phẩm liên quan tăng 19,2%; SX trang phục tăng 12,6%...

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như SX đồ uống tăng 6,3%; SX chế biến thực phẩm tăng 5%; SX hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 3%; SX sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,8%; SX thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 0,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,5%; SX thuốc lá giảm 12,7%.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 7 tỷ USD trong 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt 6,85 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013.

Theo báo cáo vừa công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng của năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được tỷ 5,75 tỷ USD, tăng 0.9% so với cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, khu vực đầu tư nước ngoài đã thực hiện xuất khẩu (kể cả dầu thô) trong 6 tháng đạt 47,82 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu không kể dầu thô là 43,75 tỷ USD tăng 17,2% so với cùng kỳ 2013.

Nhập khẩu của khu vực trong tính đến tháng Sáu đạt 39,29 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,5% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 6 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài đã xuất siêu 8,52 tỷ USD.

Nhập siêu 13,1 tỷ USD từ Trung Quốc

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn dẫn đầu danh sách thị trường nhập khẩu của Việt Nam, với giá trị ước đạt 20,4 tỷ USD (tăng 21,1% so với cùng kỳ 2013); xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 7,3 tỷ USD.

Như vậy, nửa đầu năm nay, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ USD (21,2%) so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm ước đạt 70,9 tỷ USD (tăng 14,9% so với cùng kỳ 2013), tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 69,6 tỷ USD (tăng 11%).

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, giày dép… Nhập khẩu chủ yếu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng… Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,5 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 7,2 tỷ USD.

Cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chiếm 12,1 tỷ USD, còn lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD.

Với kết quả đạt được trong tháng 6, ước tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 140,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD.

Như vậy, cả nước nhập siêu 200 triệu USD trong tháng 6 và xuất siêu đạt 1,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Đáng lưu ý, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn chiếm ưu thế khá lớn khi liên tục xuất siêu 1,3 tỷ USD trong tháng 6 và 8,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014.

Trong khi đó, khu vực trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu với con số 530 triệu USD trong tháng 6 và 7,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014.

Nguồn: Cafef
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.266.474
Khách
: 1.477
 
8 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 23/6 - 28/6 Rating: 5 out of 10 146149.
Core Version: 1.8.0.0