Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 27/04/2024

Đăng ký nhận tin

Hội thảo “Hành động chung tay thúc đẩy tuần hoàn tái chế nguyên liệu dệt may” được tổ chức tại TP. HCM

29/08/2023 03:02 CH
Ngày 24/08/2023, tại TP HCM,  Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức hội thảo với chủ đề: “Hành động chung tay thúc đẩy tuần hoàn tái chế nguyên liệu dệt may”. Đại diện các doanh nghiệp sản xuất dệt may, các đơn vị chuyên ngành về môi trường, năng lượng, tổ chức đánh giá, tư vấn, thiết kế, nhãn hàng … đã tham dự hội thảo.

 

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch/ Chủ nhiệm UB PTBV VITAS phát biểu

Phát biểu khai mạc Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch/ Chủ nhiệm UB Phát triển bền vững VITAS cho biết, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngành dệt may cần phối hợp cùng hành động hướng tới tầm nhìn đến 2030 chuyển đổi trọng tâm phát triển ngành Dệt may sang tuần hoàn, tái chế. Việc thiếu đơn hàng là khó khăn trước mắt. Chiến lược dài hạn là xanh hóa ngành dệt may. Ông Tùng nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng hành, chung tay của các bên trong việc thúc đẩy tuần hoàn, tái chế nguyên phụ liệu dệt may, hạn chế rác thải ra môi trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe: Bà Claudia - Đại diện EUROCHAM nói về Quy định của EU về yêu cầu tái chế nguyên liệu cho hàng hoá may mặc nhập khẩu vào thị trường EU; Ông Edward Dũng - Giám đốc nhãn hàng may mặc và phụ liệu, Puma chia sẻ mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động đối với tái chế và tuần hoàn nguyên liệu vải trong chuỗi cung ứng; Ông James Phillips – Chuyên gia phát triển bền vững ngành dệt may trao đổi về cơ hội, thách thức và giải pháp đề xuất đối với việc thu gom phân loại vải vụn ở nhà máy may mặc; Bà Tina Lee – GĐ kinhdoanh và Marketing ở nước ngoài, Công ty TNHH CN Shundao VN trình bày  về mô hình sản xuất sợi cotton /cenlulose tái chế và đề xuất giải pháp mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường; Ông Joseph Yang – Đại diện Công ty TNHH Dệt Tah Tong chia sẻ về mô hình sản xuất sợi cotton /cenlulose tái chế và đề xuất giải pháp mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường; Bà Chloe Hsu – GĐ kinh doanh Công ty CP Sợi Thế kỷ nói về mô hình sản xuất sợi polyester tái chế và đề xuất giải pháp mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường; Ông Tom Đào - Giám đốc của IDFL VIETNAM - chia sẻ về việc chứng nhận vải có thành phần tái chế.

 

Các diễn giả giả đáp câu hỏi của đại biểu

Qua trao đổi, các đại biểu và diễn giả đã nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn là xu hướng tất yếu của ngành dệt may. Tái chế và tuần hoàn nguyên liệu dệt may cũng là yêu cầu đặt ra bởi các thị trường lớn nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Các doanh nghiệp đã đến lúc phải thay đổi mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng để phát triển bền vững hơn. Triển khai mô hình tái chế và tuần hoàn nguyên liệu dệt may, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích và cơ hội, đó là: Thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào; Giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính; Kéo dài vòng đời sản phẩm; Giảm thiểu phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường; Gia tăng giá trị cho doanh nghiệp …

Việt Nam hiện gặp nhiều rào cản về kỹ thuật và tổ chức đối với việc tái chế nguyên liệu vải sợi, vì vậy cần có sự chung tay của các bên trong chuỗi cung ứng dệt may để vượt qua những rào cản này và mở rộng cơ hội thị trường cho vải và sợi tái chế. Quá trình này cũng đòi hỏi những điều chỉnh, bổ sung ở cấp độ luật pháp, môi trường, kinh tế.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS

Kết luận hội thảo, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS cho biết, chủ đề hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp. Ngày 29/12/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Trong đó nêu rõ định hướng chuyển dịch ngành dệt may từ phát triển nhanh sang phát triển hiệu quả bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hội thảo hôm nay chỉ là bước khởi đầu. Trong thời gian tới, VITAS tiếp tục triển khai các sự kiện, hoạt động khác theo nội dung này để trao đổi sâu hơn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển tuần hoàn, tái chế nguyên liệu vải, sợi. Đặc biệt VITAS sẽ mời đại diện các bộ, ngành của Chính phủ cùng tham dự. Bà Mai nhấn mạnh, chúng ta sẽ đi từng bước và phải đi cùng nhau. 

 

Các đại biểu và diễn giả chụp hình lưu niệm

Hội thảo không chỉ tạo diễn đàn cho các chuyên gia, tổ chức quốc tế, nhãn hàng và doanh nghiệp của Việt Nam trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá thực trạng triển khai, thuận lợi cũng như khó khăn trong phát triển tuần hoàn tái chế nguyên liệu dệt may, mà còn là cầu nối kết nối giữa các doanh nghiệp với các đối tác trong nước và quốc tế. Các đại biểu, tổ chức tham dự hội thảo thống nhất sẽ nỗ lực phối hợp để nghiên cứu, triển khai áp dụng các công nghệ mới nhằm tăng cường tái chế nguyên liệu dệt may, chuyển đổi mô hình chuỗi cung ứng, góp phần xây dựng ngành dệt may Việt Nam tuần hoàn và phát triển bền vững.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 




Bài và ảnh: Nguyễn Bình - VITAS

 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.409
Khách
: 746
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0