Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với các ứng dụng phổ biến của tự động hoá, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may. Cụ thể, việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…
Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với sự trợ giúp kỹ thuật số trong ngành dệt may” diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trương Văn Cẩm - phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Dệt may (VITAS) nhận định: "Để tận dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức, doanh nghiệp cần chủ động trong hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiếp cận công nghệ mới. Và Hội thảo này giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật mới tiên tiến trong sản xuất dệt may của Hàn Quốc và các nước châu Á". Đây là chương trình đào tạo thường niên mà KITECH và VITAS phối hợp tổ chức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam - ông Trương Văn Cẩm cho hay.
Những lợi ích của kỹ thuật số trong ngành dệt may khá rõ ràng, một số doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư và khẳng định. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc chi nhánh thời trang - Công ty CP Đầu tư thương mại TNG - chia sẻ: Từ năm 2010 công ty đã chú trọng đầu tư công nghệ quản trị, sản xuất của TNG hiện đang được điều hành theo hệ thống phần mềm quản lý tiên tiến. “Lãnh đạo công ty có thể ở rất xa nhưng vẫn biết cụ thể, chi tiết về tình hình sản xuất, tình trạng đơn hàng” - ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Đặc biệt, TNG đã ứng dụng phần mềm thiết kế ảo 3D trong thiết kế thời trang. Công nghệ này cho phép lấy số đo tự động, thiết kế và đưa ra những sản phẩm phù hợp, giúp rút ngắn và loại bỏ khá nhiều công đoạn so với cách thiết kế truyền thống và gần như không phải may mẫu. Quan trọng hơn, ứng dụng kỹ thuật thiết kế 3D ảo giúp thời gian đưa sản phẩm ra thị trường ngắn hơn rất nhiều, theo đó tăng đáng kể tính cạnh tranh.
Nhân lực thiếu và yếu đang thực sự là nút thắt trong quá trình đưa công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất của ngành dệt may. Cả nước hiện có một số cơ sở đào tạo chuyên ngành như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội… tuy nhiên số lượng sinh viên không nhiều, quy mô đào tạo chưa lớn. Ông Trương Văn Cẩm nhìn nhận cho dù có vốn, công nghệ nhưng không có nhân lực vận hành được máy móc, thiết bị thì doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Đây là vấn đề doanh nghiệp không thể một mình khắc phục, do vậy rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước.
Xuất phát từ thực tế doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sơn đề xuất, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước phát huy vai trò làm cầu nối, kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia, trung tâm đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Bày tỏ thiện chí sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong quá trình tiếp cận công nghệ 4.0, ông Eu Joong Kim - Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam - cho hay, ngành dệt may có tốc độ phát triển rất nhanh, Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hàn Quốc với hệ thống viện nghiên cứu kỹ thuật công nghệ lâu năm có thể hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.
Theo ông Eu Joong Kim, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuất khẩu, lợi thế chi phí nhân công thấp của dệt may Việt Nam là không đủ mà rất cần công nghệ hiện đại nhằm theo kịp xu hướng của thế giới.
Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định, CMCN 4.0 đang đặt ra không ít thách thức cho ngành dệt may đó là người máy (robot), AI... sẽ thay thế sức lao động của con người, các công đoạn gia công, lắp ráp dần sẽ được thay thế hoàn toàn bởi người máy với chi phí thấp hơn.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo: