Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

Phát triển Bền vững chuỗi cung ứng dệt may – Xu hướng & Giải pháp

27/09/2022 05:53 CH
Ngày 16/9/2022, VITAS phối hợp với Hiệp hội Dệt May tỉnh Thanh Hóa (THTAS), Công ty TNHH Nhà Thép PEB (PEB STEEL) và Công ty Shire Oak International tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Phát triển Bền vững chuỗi cung ứng dệt may – Xu hướng & Giải pháp”.


























Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch VITAS cho biết  ngành dệt may Việt Nam có quá trình phát triển khá nhanh và ngoạn mục. Không chỉ đứng trong top đầu kim ngạch xuất khẩu với 40,4 tỷ USD năm 2021, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, dệt may còn là ngành xuất siêu lớn của Việt Nam, với 16,2 tỷ USD năm 2021 và 13,7 tỷ USD 8 tháng năm 2022. Năm 2022, ngành dệt may phấn đấu xuất khẩu đạt 43 – 43,5 tỷ USD. Mục tiêu ngành đặt ra từ nay đến năm 2030 sẽ chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030 – 2045, phát triển hiệu quả, bền vững, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch VITAS

Trước thách thức thị trường và đòi hỏi của khách hàng, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn. Đặc biệt có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu doanh nghiệp có thế mạnh, ví dụ tuần hoàn nước, điện áp mái… tính toán lợi ích – chi phí, lộ trình chuyển đổi. Tập hợp các tài liệu liên quan đến truy soát nguồn gốc NPL, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ tái chế, vòng đời sản phẩm, nguyên liệu sạch, khả năng tái chế cao…

“Hội thảo lần này không chỉ kết nối các doanh nghiệp trong ngành mà còn giới thiệu những giải pháp đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nhà xưởng; chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu...” ông Cẩm thông tin.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sau 2 năm chuỗi cung cầu hàng hóa may mặc chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, bước sang năm 2022 khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát, lượng đơn hàng may mặc đến với các doanh nghiệp khá đều đặn. Tuy nhiên, không ít thách thức đặt ra do nền kinh tế thế giới suy thoái cũng như các tiêu chuẩn “xanh hóa” của Châu Âu đối với các sản phẩm dệt may buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi.

 
























Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký VITAS nhấn mạnh để có thể giữ được đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, Doanh nghiệp phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ; nguyên liệu sản xuất phải nội địa hóa; phải tuân thủ các cam kết về lao động và môi trường trong FTAs. Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), giống như kiềng 3 chân. Theo Bà Mai, một trong những bước để "xanh hóa" nhà máy chính là việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phải nhìn vào tiềm lực của từng đơn vị mà "xanh hóa" từng phần, không nên đầu tư các nhà máy có tiêu chuẩn quá cao, khi đó sẽ kéo theo rất nhiều chi phí tăng theo, doanh nghiệp hoạt động không có lãi,...



























 

Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký VITAS với bài trình bày: “Phát triển bền vững chuỗi cung ứng dệt may – Xu hướng tất yếu & Mô hình 3P tại Doanh nghiệp

 

Hiện nay những sản phẩm sản xuất từ năng lượng tái được các chuỗi cung ứng ưu tiên đón nhận hơn so với sử dụng năng lượng truyền thống. Trong tương lai gần, thế giới sẽ áp dụng mức thuế sử dụng cac bon đối với sản phẩm, hàng hóa, khi đó các sản phẩm được sản xuất bằng năng lượng tái tạo sẽ có sức cạnh tranh cao hơn.

Chia sẻ về mô hình kinh doanh của Shire Oak International, ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Chiến lược cho biết: “Hiện nay, Shire Oak International đã hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới và mang đến các giải pháp cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang năng lượng xanh. Shire Oak International sẽ giúp các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, năng lượng chưa sử dụng có thể được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ năng lượng và dùng để cung cấp năng lượng cho nhà máy khi cần thiết”.

 

Ông Nguyễn Thành Nhơn – GĐ Chiến lược, Công ty Shire Oak Giải pháp đầu tư điện mặt trời áp mái

Trước thách thức đặt ra, Công ty TNHH Pebsteel Nhà Thép Tiền Chế cũng đem đến giải pháp về năng lượng tái tạo, tích hợp điện năng lượng mặt trời áp mái với kết cấu thép ngay khi lên ý tưởng thiết kế, dự trù tải trọng cho kết cấu công trình, cũng như các phương án hỗ trợ tài chính. Hiện tại, Pebsteel đã thực hiện nhiều dự án nhà xưởng cho các doanh nghiệp trong ngành cũng như ngoài ngành dệt may như: Nhà máy sản xuất giày Việt Nam Mộc Bài, Tây Ninh; Nhà máy dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise, Nam Định; Nhà máy vải sợi và dệt nhuộm Gain Lucky, Tây Ninh; Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast Hải Phòng…

 

Ông Trần Thanh Bình - PEB STEEL với bài trình bày “Triển khai năng lượng xanh trong quá trình xây dựng nhà máy mới

 

 


Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.507
Khách
: 2.136
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0