Toàn cảnh hội thảo
Đại diện WWF cho biết các sản phẩm tài chính xanh sẽ giảm thiểu phần nào rủi ro cho các doanh nghiệp dệt may
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS cho biết, hiện nay có tới 95% doanh nghiệp ngành dệt may là doanh nghiệp nhỏ và vừa do đó việc đầu tư và ứng dụng công nghệ mới để thực hiện xanh hóa sẽ rất khó khăn. Các loại hình cho thuê tài chính được xem là một trong những giải pháp để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư xanh hóa vào hoạt động sản xuất.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS
Đại diện Tập đoàn An Phước – Viramie chia sẻ là doanh nghiệp sản xuất sợi gai cung cấp cho các hoạt động may mặc trong nước và xuất khẩu, An Phước – Viramie đã đầu tư máy móc công nghệ cũng như đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển hóa sang quy trình sản xuất xanh. Để đầu tư xanh hóa cần rất nhiều chi phí, do đó việc vay tín dụng cũng như phương án hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất. “Trong quá trình phát triển cũng như tầm nhìn đến năm 2032 và xa hơn nữa, chúng tôi muốn hình thành chuỗi giá trị trong ngành dệt may. Nhu cầu vốn lưu động dùng trong ngắn hạn và vốn dài hạn cho những dự án tiếp theo như nhà máy tách keo, dệt nhuộm, kéo sợi hỗn hợp là rất lớn” đại diện doanh nghiệp cho hay.
Đại diện An Phước – Viramie chia sẻ tại hội thảo
Các chuyên gia nhận định, tiềm năng của tín dụng sẽ ngày càng gia tăng đặc biệt trong giai đoạn ngành công nghiệp dệt may đang thực hiện xanh hóa. Theo số liệu của ngân hàng nhà nước, tính đến tháng 11/2021 có 67 tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh tuy nhiên dư nợ đối với ngành dệt may chỉ khoảng 145.000 tỷ đồng, chỉ chiểm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Với mục tiêu hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, việc tiếp cận đến các khoản tín dụng xanh ngày càng được chuẩn hóa và dễ dàng.
Ông Phạm Xuân Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê Tài chính Việt Nam đánh giá thị trường cho thuê tài chính ở Việt Nam sẽ rất rộng mở, tuy nhiên vẫn có những khó khăn nhất định như rủi ro cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp dệt may là rất lớn như công nghệ đặc thù, hóa chất, ô nhiễm, yếu tố thâm dụng lao động, xu hướng gia tăng lương tối thiểu, biến động nhân sự, xu hướng toàn cầu và những rủi ro không thể đoán trước. Bên cạnh đó việc cạnh tranh với các đối tác nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn do các chính sách vẫn chưa thông thoáng.
Ông Phạm Xuân Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê Tài chính Việt Nam
Dù tiềm năng tín dụng xanh trong cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam là rất lớn tuy nhiên việc tiếp cận đến những khoản vay này gặp không ít khó khăn. Các đơn vị tài chính có dịch vụ và sản phẩm cho ngành dệt may khá ít đồng thời các doanh nghiệp dệt may chưa hiểu rõ về các hình thức cho thuê tài chính. Hội thảo với sự góp mặt của 6 công ty cho thuê tài chính lớn bao gồm: VTBL, VCBL, BSL, SBL, ACBL, Chailease VN sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tìm tiểu, tiếp cận với các gói hỗ trợ mà các doanh nghiệp cho thuê tài chính đưa ra với những ưu đãi, thuận lợi hơn so với việc vay tín dụng nói chung.
Các công ty cho thuê tài chính giới thiệu về dịch vụ cũng như các sản phẩm cho ngành dệt may
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cạnh tranh gay gắt gắn liền với sự thay đổi nhanh chóng cùa các hình thức kinh doanh, công nghệ Fintech hay yêu cầu tự do hóa tài khoản vốn quốc gia theo cam kết của Việt Nam với WTO và các FTA khác, các tổ chức tài chính/ngân hàng cần tăng cường khả năng đáp ứng và đưa ra các phương án tín dụng mang tính bền vững nhằm khai thác tốt nhất mạng lưới khách hàng ngành dệt may. Tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp, các mô hình tài chính khác nhau nên được thiết kế để đem lại hiệu quả tối ưu.