Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hội nghị Tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) - Vượt qua thách thức – Phát triển bền vững & Hướng tới tương lai

21/12/2022 05:39 CH
Ngày 16/12/2022, Hội nghị Tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) với chủ đề “Vượt qua thách thức – Phát triển bền vững & Hướng tới tương lai” đã diễn ra tại Landmark 81, Tp. Hồ Chí Minh.  Hội nghị có sự quy tụ  của các vị là lãnh đạo các Bộ Ngành & Địa phương; Lãnh đạo Hiệp hội Dệt May các nước trong khu vực ASEAN; hơn 300 Doanh nghiệp, các Nhãn hàng, các Học giả tên tuổi, các Chuyên gia kinh tế & lao động hàng đầu đến từ các Tổ chức quốc tế uy tín tại Việt Nam.
 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, ngành dệt may năm 2022 dự kiến đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc là 4,2 tỷ USD, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, Trung Quốc là gần 3,9 tỷ USD…

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc tại sự kiện

Có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã có 15 Hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu.

Tuy nhiên ngành DMVN cũng như các ngành công nghiệp khác vẫn đang đứng trước
rất nhiều khó khăn thách thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, chính sách ZERO
COVID của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm mạnh, xung đột Nga – Ucraina vẫn còn căng thẳng. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế, v.v… Đòi hỏi DN phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí tải, v.v…

Năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu năm 2023, VITAS đưa ra một số giả pháp cụ thể: 1) Kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giải quyết phần cung thiếu hụt; 2) Xây dựng giải pháp phát triển bán hàng FOB, ODM, OBM; 3) Xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ tự động hóa, quản trị số, tạo môi trường SXKD minh bạch, bắt kịp xu thế toàn cầu; 4) Đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường, xanh hóa ngành DMVN; 5) Thúc đẩy giải pháp đào tạo nguồn lực có chất lượng, bắt kịp xu thế đòi hỏi của toàn ngành, của từng DN.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm. Đây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn. Đối với ngành dệt may thứ nhất là vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Thứ hai phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường. Chính vì vậy, giải pháp xoay quanh trọng tâm là giữ được hai tài sản chiến lược này. Đồng thời, tập trung vào việc cải thiện NSLĐ, hiệu quả quản trị, giảm chi phí… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động.

 

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)

Chủ tịch Lê Tiến Trường cũng cho rằng, vị thế cạnh tranh, những bước đi tiến trước của Việt Nam trong vài năm qua thì hai, ba năm nay đã bị các quốc gia đuổi kịp, thậm chí còn vượt. Cho nên Việt Nam bắt buộc phải có những đổi mới bứt phá để giữ vị thế thuộc Top 3 trên thế giới. Ông Trường cũng đưa ra dự báo năm 2023 ngành dệt may Việt Nam sẽ xấu hơn năm 2022. Nếu suy thoái kinh tế thế giới thì năm 2024 còn xấu hơn 2023, còn ngược lại, không suy thoái kinh tế thì năm 2023 và 2024 sẽ có tín hiệu tốt lên nhưng đến năm 2025 mới bằng năm 2021. Dệt may là ngành có chu kỳ sản xuất ngắn, nhu cầu rất nhạy với thu nhập và việc làm trên thế giới nên không thể có một dự báo dài hạn cho cả năm, trong điều kiện kinh tế bất định như hiện nay.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, năm 2023 và những năm tiếp theo còn đối mặt với nhiều thử thách, giải pháp đối với doanh nghiệp dệt may là cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, chuỗi cung ứng.

Đánh giá cao những kết quả của ngành dệt may trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, xung đột địa chính trị diễn ra căng thẳng, dịch bệnh, lạm phát, biến động tỷ giá…. song kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn ước đạt 44 tỷ USD. Đây là con số rất đáng ghi nhận. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, Hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao đóng góp của Vitas trong sự phát triển của ngành dệt may VN

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác để giải quyết những kiến nghị của ngành dệt may. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Vitas và các doanh nghiệp tập trung triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn, tận dụng triệt để các cơ hội phát triển của ngành, có nhiều giải pháp để tận dụng các FTA. Vitas thực hiện tốt vai trò đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ ngành và Chính phủ, tăng cường thúc đẩy xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hội viên, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững. Bộ Công Thương luôn ủng hộ, đồng hành cùng Vitas và các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

 

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm TTK VITAS báo cáo kết quả hoạt động Hiệp hội trong năm 2022

 

Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Công ty Delloite Việt Nam với bài tham luận “Ngành dệt may – Thách thức và giải pháp năm 2023”

 

TS. Đỗ Tiến Long – Chuyên gia tư vấn trưởng ODCLICK với tham luận “Quản trị doanh nghiệp trong môi trường biến động và khuyến nghị cho doanh nghiệp dệt may”

 

TS. Cấn Văn Lực – TV Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia với tham luận “Tổng quan về chính sách tài chính – Tiền tệ của Việt Nam và những tác động đến ngành dệt may Việt Nam”

 

Ông Đặng Vũ Hùng – Phó Chủ tịch thứ nhất Vitas với tham luận “Chuyển đổi số để phát triển bền vững doanh nghiệp dệt may”

 

Ông Võ Mạnh Hùng – Đại diện CCI với tham luận “Làm chủ truy xuất nguồn gốc bông trong tình hình mới”


Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.146
Khách
: 1.129
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0