Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Tọa đàm 'Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất'

28/09/2021 08:51 SA
Tọa đàm ngày 28/9 trên VnExpress có sự tham dự của ông Nguyễn Chí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM và ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê hôm 6/7, trong sáu tháng đầu năm 2021, lực lượng lao động Việt Nam có nhiều biến động vì Covid-19 bùng phát. Lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51 triệu người, tăng 737.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đối tượng có việc làm là 49,9 triệu, tăng 788.700 người. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,9%); khu vực công nghiệp, xây dựng khoảng 16,4 triệu (chiếm 32,8%); mảng dịch vụ 19,6 triệu (chiếm 39,3%).

Tuy nhiên, cũng có hơn 1,1 triệu người thiếu việc làm trong sáu tháng đầu năm nay, tăng 48.200 người so với cùng kỳ năm trước. Hơn 1,1 triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp, tăng 101.700 người. Trong đó có gần 399.000 thanh niên (15-24 tuổi), chiếm 34,0% tổng số người thất nghiệp.























Khan hiếm lao động do đại dịch

Khảo sát gần 70.000 người của Ban IV và VnExpress hồi tháng 8 cho thấy: tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, sụt giảm thu nhập... tiếp tục gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 62%, nhất là khi dịch tái bùng phát mạnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, nhiều biện pháp phòng dịch được triển khai như giãn cách kéo dài, một số ngành buộc phải dừng hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp phải cắt giảm bớt lao động, cắt giảm số giờ làm. Lao động là các ca F0, F1 và lao động trong khu vực phong tỏa, nhiều lao động e ngại việc lây nhiễm, từ chối việc làm khi phải test Covid thường xuyên, làm “3 tại chỗ”… dẫn đến việc nhiều người lao động không có tay nghề cao không có thu nhập, họ buộc phải di chuyển ra khỏi khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất do sức ép về chi phí sinh hoạt, cũng như nhằm tránh các khu vực có đông dân cư với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, tạo ra làm sóng di dân lớn chưa từng có tại thị trường Việt Nam. Điều này tạo ra vấn đề lớn khi nền kinh tế ổn định trở lại, doanh nghiệp không chỉ thiếu hụt nguyên phụ liệu sản xuất mà còn rơi vào tình trạng không có lao động. Để người lao động có thể quay trở lại thành phố làm việc, chúng ta cần phải có giải pháp đồng bộ giữa các địa phương, ban quản lý KCN…chi phí là rất tốn kém, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định.

 





















Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng Đào tạo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM

Đối với ngành dệt may Việt Nam, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết từ 37-47% lao động đã dịch chuyển từ các thành phố lớn phía Nam như Tp. HCM, Bình Dương về các địa phương. Cùng với đó, việc tiêm vắc xin vẫn chưa được bao phủ toàn bộ khiến người lao động rất khó quay trở lại làm việc khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Kết quả khảo sát về tiêm vắc xin và vấn đề làm “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp dệt may chỉ ra rằng chi phí thực hiện các doanh nghiệp phải bỏ ra là rất lớn (chi phí lo chỗ ở, ăn uống, xét nghiệm covid liên tục cho NLĐ…) nhưng không đem lại hiệu quả cao.

“Hiện tại, đơn hàng dệt may đã rút khỏi thị trường VN khoảng 30-34%, tỷ lệ đơn hàng các doanh nghiệp phía Bắc hỗ trợ doanh nghiệp phía Nam chỉ đạt khoảng 10%. Để khôi phục lại cũng mất từ 6 tháng đến 1 năm” ông Giang cho hay. Về những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phải đóng cửa vì Covid-19, nhiều địa phương đang thực hiện rất tốt nhưng có 1 số địa phương vẫn áp dụng máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.



























Ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)


Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động sau dịch bệnh

Để có thể đưa người lao động từ các địa phương trở lại làm việc sau khi thị trường bình ổn, các địa phương cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội việc làm.

Ngoài Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chúng ta cần những gói hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp trong từng lĩnh vực sản xuất, đặc thù sản xuất từng ngành nghề. Đối với người lao động phải có những chính sách gắn với doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Về vấn đề liên quan dến các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, ông Giang kiến nghị cần áp dụng cho tất cả các ngành và địa phương, đồng thời kéo dài thời gian hỗ trợ do chưa biết khi nào dịch bệnh có thể kiểm soát.

Giải pháp đào tạo người lao động trong tương lai

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội nhận định con số thiếu việc làm chủ yếu là đối tượng thanh niên mới ra trường. Do đó trước hết cần xem xét lại vấn đề đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục, đào tạo nghề hiện nay, tiếp đến cần nâng cao kỹ năng cho người lao động để có thể thích nghi với công nghệ mới, việc làm mới. Theo thống kê cho thấy lực lượng lao động hiện tại đang giảm với ¾ người lao động chưa có tay nghề, đây là khoảng trống rất lớn cho ngành đào tạo.

Sự phát triển của khoa học công nghệ đòi hỏi chúng ta cần chú trọng đào tạo những kỹ năng mới cho người lao động như: tư duy phân tích, giải quyết các vấn đề phức tạp, thiết kế và lập trình công nghệ…Vậy trang bị như thế nào để có hiệu quả cho người lao động?



























Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội

Ông Trường cho biết, hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật việc làm 2013, Nghị định 31/2015 NĐ-CP đã có những giải pháp cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn lao động mới. Doanh nghiệp có thể đối chiếu để thực hiện đào tạo cho người lao động phù hợp đồng thời người lao động cũng có thể dựa vào đó để tự hoàn thiện những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Hiện tại có 4 hình thức để người lao động có thể thích ứng với sự thay đổi của thị trường bao gồm: học ở các trường lớp theo khung trình độ quốc gia 8 bậc, học tại nơi làm việc, tự học, tự trang bị cho mình để đáp ứng nhu cầu việc làm. Chủ yếu chúng ta đang thiên về đào tạo tại trường lớp, do đó người lao động rất khó tiếp cận được sự thay đổi trong môi trường làm việc, máy móc công nghệ.

Về vấn đề này, ông Giang kiến nghị trong thời gian tới, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội nên có hướng dẫn đào tạo cụ thể cho các trường đại học, trường cao đẳng, dạy nghề để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời có chính sách phân bổ kinh phí cho Doanh nghiệp để đào tạo nâng cao tay nghề lao động.

Ngày 20/5/2021, Chính phủ có Nghị quyết 50/NĐ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo đó, để phát triển nguồn nhân lực, GD&ĐT đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội đề án Nâng tầm kỹ năng lao đông Việt Nam đến năm 2030. Theo nghiên cứu của Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hộicó 6 nhóm đơn vị kỹ năng cơ bản để trang bị cho người lao động bao gồm: kỹ năng ứng xử, kỹ năng thích nghi nghề nghiệp, năng lực về công nghệ đổi số, an toàn lao động, rèn luyền sức khỏe và đạo đức nghề nghiệp. Hiện tại, Bộ đang dựa trên 6 nhóm kỹ năng này để tiếp tục hoàn thiện và xây dựng đề án.

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.813
Khách
: 1.140
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0