Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp của Bộ Công Thương, mặc dù các doanh nghiệp đã triển khai giải pháp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, nhưng dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2019, tối đa cũng chỉ khoảng 34 tỷ USD.
Tuy ở thế “khó chồng khó”, song những người đứng đầu ngành dệt may vẫn đang ngày đêm gồng mình để giữ chân người lao động, bởi hơn ai hết, họ biết rằng cho công nhân nghỉ việc lúc này đồng nghĩa với việc đẩy họ vào khó khăn.
Với một doanh nghiệp sử dụng gần 12.000 công nhân và có bề dày 74 năm trên thị trường dệt may, việc giữ việc làm cho người lao động thực sự là "một cuộc chiến" đối với lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần May 10.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Thân Đức Việt, CEO Tổng công ty Cổ phần May 10, để hiểu hơn về những nỗ lực này:
- Đại dịch Covid-19 được ví như một cơn bão "tàn phá" ngành dệt may. Ông có thể cho biết hoạt động của Tổng công ty May 10 hiện nay ra sao?
Ông Thân Đức Việt: Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp hết xoay xở với nỗi lo nguyên liệu đầu vào lại phải giải quyết vấn đề đầu ra, để đảm bảo phát triển của công ty và thu nhập người lao động.
May 10 chuyên xuất khẩu quần áo sơ mi, veston... sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và nhiều nước khác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng công ty vẫn đang thiết hụt đơn hàng.
Để duy trì sản xuất cũng như bù lượng đơn hàng truyền thống thiếu hụt, chúng tôi nhận bất cứ cái gì có thể đưa vào máy may, miễn là có việc cho người lao động.
Công ty đã nhận sản xuất thêm các đơn hàng dệt kim và khẩu trang. Cụ thể, tháng 2/2020 bắt đầu có ý tưởng sản xuất khẩu trang thay thế các mặt hàng truyền thống thì tháng 3/2020, May 10 quyết định đầu tư máy móc và đến tháng 4/2020 đã có hàng khẩu trang đưa ra thị trường.
Thời điểm đó, một đối tác lớn đã đặt mua hàng trăm triệu khẩu trang y tế và giao hàng từ tháng 7. Đơn hàng này tương đương với khoảng 30% doanh thu của May 10 trong năm nay.
Công ty cũng còn có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đặt 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang y tế.
Khó khăn là có nhưng nhờ sớm chuyển sang sản xuất khẩu trang nên cũng giảm bớt phần nào thiệt hại trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt, May 10 vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động, đó là một thắng lợi.
- Như vậy trong 9 tháng qua, không có lao động nào của May 10 phải nghỉ làm, thưa ông?
Đúng vậy, 9 tháng đầu năm dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thiếu hụt nguồn cung và người lao động có nguy cơ mất việc làm rất cao nhưng May 10 chưa sa thải một công nhân nào, vẫn đảm bảo việc làm đầy đủ và thu nhập cho người lao động.
Riêng trong tháng 10 và tháng 11, đơn hàng xuất khẩu khó khăn hơn, May 10 sẽ thực hiện biện pháp giãn việc, có thể cho công nhân nghỉ thêm 1 ngày trong tuần.
Mục tiêu ngay bây giờ của May 10 là bằng mọi cách tìm được những nguồn hàng thay thế đối với thị trường xuất khẩu, để giữ được việc làm cho người lao động.
Công nhân tại May 10. Ảnh: Garco10
- Hiện nay, gói hỗ trợ để giúp người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 vẫn trong tình trạng “có sẵn tiền mà không được lấy”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, ông có đề xuất gì không?
Đến thời điểm hiện tại, May 10 chưa tiếp cận được gói hỗ trợ nào. Riêng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người lao động của Chính phủ thì không thể đến được với công nhân của May 10 bởi quy định phải chứng minh 50% người lao động thiếu việc làm.
Tôi cho rằng các gói hỗ trợ phải có tính khả thi đối với người lao động và doanh nghiệp được hỗ trợ.
Năm nay có thể là năm cực kỳ nguy hiểm cho ngành dệt may vì không ai dự báo trước được tương lai. Vì vậy, chỉ mong Chính phủ nới lỏng những điều kiện trong các giải pháp hỗ trợ như cho vay tiền không lãi suất để trả lương người lao động cũng như hoãn, giãn việc đóng phí bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp có nguồn tiền thực hiện chi trả lương, cố gắng giữ chân người lao động.
- Theo ông, 3 tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may sẽ đối diện những thách thức nào và May 10 tìm hướng đi riêng cho mình ra sao?
Quý IV/2020 sẽ là những tháng rất khó khăn đối với ngành dệt may nói chung và May 10 nói riêng, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm dệt may cũng như khách hàng trên toàn cầu giảm khiến đơn hàng bị giảm sút.
Như những năm trước, vào khoảng tháng 9, May 10 đã nhận đủ đơn hàng sản xuất sơ mi, veston cho quý IV, thậm chí là quý I năm sau. Còn năm nay. đơn hàng chỉ đủ cho tháng 9.
Cho đến thời điểm này, lượng đơn hàng quý IV và quý I/2021 của chúng tôi mới chỉ đạt 50% năng lực sản xuất đối với sản phẩm veston và 60% với sản phẩm sơ mi.
Chúng tôi đang phải “ăn đong” các đơn hàng theo tháng, thậm chí là theo tuần. Chúng tôi phải dùng từ “ăn đong” bởi thị trường đang sụt giảm rất nghiêm trọng.
Để duy trì hoạt động, May 10 vẫn đang tìm mọi biện pháp để thay đổi, tổ chức lại sản xuất để làm những sản phẩm mà trước đây không phải là thế mạnh của mình. Thậm chí May 10 đang tập trung phát triển vào thị trường nội địa. Thị trường này hiện có rất nhiều khách hàng tin dùng và đặt hàng, đặc biệt là các đơn hàng đồng phục được đặt nhiều tại May 10.
Cuối cùng, mục tiêu của May 10 vẫn là không sa thải một công nhân nào trong thời điểm khó khăn chung này.
- Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông muốn gửi thông điệp nào đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam?
Trong bối cảnh chung của đại dịch Covid-19, đội ngũ nhân viên giống như những người lính trong thời bình. Những người đứng đầu doanh nghiệp phải cố gắng thực hiện sứ mệnh của một doanh nhân là bảo toàn nguồn nhân lực đồng thời góp phần xây dựng vào sự giàu mạnh của quốc gia.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc đến tất cả các doanh nhân luôn vững tay chèo để lãnh đạo con thuyền của doanh nghiệp mình vượt quá mọi khó khăn trước đại dịch Covid-19.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo: Lệ Chi, Vietnam Finance