Tiếp cận tệp khách hàng khổng lồ
Với 300 triệu khách hàng từ 180 quốc gia, mức tăng trưởng hơn 30%/năm, Amazon đang là một trong những kênh bán hàng hấp dẫn nhất toàn cầu, thu hút hàng triệu người bán hàng khắp thế giới. Amazon cũng nhận thấy cơ hội ở thị trường Việt Nam rất rộng mở và đã hợp tác với Cục XTTM để đào tạo DN nhỏ và vừa kỹ năng bán hàng hiệu quả trên thương mại điện tử (TMĐT) nói chung và Amazon nói riêng.
Trong gần 1 năm qua, chương trình hợp tác này đã lựa chọn 105 DN tham gia đào tạo xuất khẩu toàn cầu thông qua TMĐT. Tất cả DN tham gia đã được tập huấn kỹ năng và tư vấn chuyên sâu bao gồm các bước như tạo tài khoản, lên danh sách mặt hàng, vận hành tài khoản, tiếp cận dịch vụ vận chuyển và giao hàng của Amazon cũng như giải quyết các vấn đề khác liên quan.
Ngoài ra, các DN đang được tiếp tục hỗ trợ phát triển thương hiệu và hàng hoá Việt Nam trong môi trường TMĐT xuyên biên giới. Kết quả thực tế cho thấy nhiều mặt hàng của Việt Nam đặc biệt các sản phẩm dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ nhận được phản hồi tốt trên Amazon, thể hiện được tiềm năng lớn của mình trên thị trường quốc tế. Theo Bộ Công Thương, thông qua hợp tác với Amazon, khoảng 50% DN (trong tổng số 105 DN tham gia đào tạo) đã bán được hàng trên nền tảng này.
Đại diện Cục XTTM cho biết, trong thời gian tới, Cục XTTM và Amazon sẽ thực hiện các chương trình hợp tác chặt chẽ và có quy mô lớn hơn nữa trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng TMĐT hiệu quả cho cộng đồng DN.
Trong đó, Cục XTTM và Amazon sẽ nỗ lực phối hợp để tuyển dụng và hỗ trợ các DN Việt Nam đang xuất khẩu những mặt hàng chiến lược, thiết lập hệ thống nhận diện thương hiệu hàng hóa trên nền tảng Amazon, đồng thời nghiên cứu thiết lập chuyên trang về ngành hàng này của Việt Nam trên Amazon.
Ông Trần Xuân Thủy, Đại diện Amazon Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng hóa xuất khẩu dưới thương hiệu Việt rất ít. Vì vậy, Amazon là giải pháp tốt cho DN Việt Nam xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Trong năm 2020, Amazon sẽ dựa vào một số mô hình đào tạo thành công ở quốc gia khác để xây dựng modun đào tạo cho DN Việt Nam; Nâng cao kỹ năng cho mỗi DN khi kinh doanh trên TMĐT.
Kinh nghiệm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng trên Amazon
Theo đại diện Amazon tại Việt Nam, DN muốn đưa hàng lên Amazon cần thực hiện theo 4 bước: Nghiên cứu thị trường; Chuẩn bị sản phẩm gồm bao bì, giấy chứng nhận, hình ảnh và nội dung của sản phẩm, cơ cấu giá; Tìm nhà cung cấp dịch vụ; Và cuối cùng là tiến hành bán hàng (đồng thời với sử dụng công cụ quảng cáo để tiếp cận khách hàng).
Ông Nguyễn Văn Ba, nhà sáng lập của Babu Handmade, một trong những DN Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trên Amazon đã từng cho rằng, Amazon là kênh hữu hiệu nhất để DN Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa của mình ra nước ngoài.
Bán hàng trên Amazon cũng không khó như nhiều người vẫn nghĩ, bởi tất cả DN đều có thể nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ Amazon bất cứ khi nào có điều gì thắc mắc. “Sớm hay muộn, DN sẽ đạt được thành công khi mang sản phẩm của mình lên Amazon” - ông Ba khẳng định.
Nguyên nhân “chắc chắn thành công nếu trụ được trên nền tảng của Amazon” bắt nguồn từ tệp người dùng sẵn có của Amazon. Chưa kể, Amazon còn có hàng triệu đại lý mua hàng buôn tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Do đó, theo ông Ba, DN hãy chuyên tâm chăm lo cho chất lượng sản phẩm để thu hút lượng người dùng khổng lồ của Amazon, còn lại “Amazon lo hết” bởi Amazon có đến 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam