Ở những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh - dù công nghệ tái chế được đầu tư và chất lượng đang dần được cải thiện; tuần hoàn vải vụn trong công nghiệp thời trang vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hiệu quả của việc phân loại vải vụn tại nguồn, thu gom, vận chuyển và tiền xử lý một cách hợp lý. Tuần hoàn vải vụn một cách hiệu quả cần sự thúc đẩy đổng bộ giữa phát triển công nghệ và chính sách quản lý nguồn thải này nhằm tối ưu hóa chất lượng, số lượng của nguồn nguyên liệu tái chế. Việc phân loại tại nguồn và quản lý nguồn phế liệu vải một cách hiệu quả sẽ giảm được chi phí đáng kế và tăng chất lượng sản phẩm đầu ra, và điều này, cần sự hợp tác của các nhãn hàng, nhà máy cùng hướng tới một tương lai bền vững cho nguyên vật liệu trong ngành dệt may.
Các dự án trên thế giới
Trên thế giới, những dự án hợp tác đa bên nhằm tạo ra một diễn đàn không cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành, cùng nhau phối hợp để thúc đẩy tuần hoàn vải vụn trong ngành công nghiệp thời trang. Những nhà tái chế tích cực đầu tư vào công nghệ, mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng của nhãn hàng thời trang về nguồn nguyên liệu bền vững. Thay vì sử dụng nguyên liệu tái chế từ rác thải của ngành khác (ví dụ: chai PET), nhãn hàng thời trang đang có xu hướng cam kết vào sử dụng nguyên liệu tái chế từ chính nguồn rác thải của ngành công nghiệp này, nhằm tạo ra một vòng khép kín về nguyên vật liệu và hướng đến mục tiêu bền vững: Giảm thiểu tác động của rác thải rắn và nâng cao nguồn nguyên liệu thứ cấp.
Một trong những dự án đầu tiên thử nghiệm mô hình tuần hoàn vải vụn trong ngành thời trang là “New Cotton Project” do Liên minh Châu Âu tài trợ, khởi động vào tháng 12 năm 2020 với mục đích là tiền đề và bước đệm cho các sáng kiến và dự án theo mô hình tuần hoàn vải lớn hơn trong ngành công nghiệp thời trang. Dự án dự kiến hoạt động trong ba năm với sự tham gia của 12 thành viên bao gồm các nhãn hàng, nhà sản xuất, nhà tái chế và tổ chức tiên phong trong ngành dệt may và thời trang trong liên minh Châu Âu. Trong ba năm hoạt động của dự án, các vải vụn trong công nghiệp dệt may sẽ được thu gom, phân loại và tái chế thành các sợi cellulose theo công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của công ty Infinited Fiber (Phần Lan). Các loại sợi tái chế này sau đó sẽ được các nhà sản xuất Inovafil, Tekstina và Kipas sử dụng để sản xuất sợi, vải dệt thoi và denim tương ứng. Các loại sợi và vải này sau đó sẽ được thiết kế, sản xuất và bán trong hai thương hiệu hàng đầu là Adidas và H&M. Dự án này như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc của ngành dệt may vào nguồn nguyên liệu thô gây ô nhiễm mô trường, hướng đến quy mô tuần hoàn và phát triển bền vững cho ngành dệt may và thời trang.
Các dự án cũng đồng loạt khởi động ở các quốc gia khác như Mỹ, Ấn Độ hay Bangladesh. Tại Bangladesh, tổ chức phi lợi nhuận Global Fashion Agenda đã phối hợp với Reserve Resource và Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cùng khởi động dự án “Circular Fashion Partnership” vào tháng 2 năm 2021, nhằm hỗ trợ sự phát triển việc tái chế trong ngành công nghiệp dệt may nước này. Về mục tiêu, dự án tham vọng xây dựng được mạng lưới tái chế thông qua phân loại vải vụn tại nguồn, thiết lập khả năng truy xuất, quản lý dòng thải vải và chuyển dòng thải này trở lại quá trình sản xuất các sản phẩm thời trang khác, hướng đến sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp dệt may Bangladesh. Để đạt được điều này, dự án đã kêu gọi sự tham gia và phối hợp giữa các nhãn hàng, nhà sản xuất và nhà tái chế, bao gồm H&M, C&A, Pull & Bear, Primark, Gymshark, Amantex, Asrotex Group, BlockTexx, Cyclo,…
Vải vụn trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam
Trong khi những nước có công nghiệp thời trang lớn trên thế giới đã đi đến những bước thử nghiệm và triển khai nhằm tối ưu hóa quản lý chất lượng nguồn vải vụn, Việt Nam đã có những bước khời động, tuy nhiên, là nền công nghiệp dệt may lớn thứ 2 thế giới - các hoạt động nhằm đưa dòng rác thải này vào quản lý một cách hiệu quả vẫn khá mơ hồ. Số lượng, chất lượng và thành phần vải vụn chưa được thống kê một cách hiệu quả, dẫn đến việc đánh giá tiền khả thi để thu hút các nhà đầu tư công nghệ tái chế vào Việt Nam để cùng tạo ra giá trị cho dòng thải này bị trì hoãn. Với số liệu không chi tiết, rõ ràng về chất lượng và thành phần vải vụn, việc đưa ra chuỗi công nghệ phù hợp để tái chế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao là không thể.
Trong nghiên cứu của IDH năm 2020, 75% vải vụn được thu gom và tái chế không chính thức và nhãn hàng, hay nhà máy dệt may không biết được vải vụn được xử lý thế nào. Với các nhà tái chế tại Việt Nam, họ phải đối mặt với các vấn đề về chất lượng rác thải hiện tại không được phân loại tốt, thời gian tìm kiếm nguồn cung ứng lâu, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc và họ phải tốn thêm 20-30% chi phí nhân công cho việc phân tách thành phần vải vụn. Việc kêu gọi hợp tác giữa đa bên, đồng thuận nhằm tăng hiệu quả phân loại vải vụn, minh bạch và truy xuất được dữ liệu nguồn thải nhằm thu hút đầu tư đơn vị tái chế, đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn - tạo ra nguồn nguyên liệu thứ cấp nội địa cho chính doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Dự án “Tuần hoàn rác thải vải trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam”
Nhận thấy tầm quan trọng trong việc quản lý cũng như tiềm năng tái chế nguồn rác thải vải trong ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, CL2B – Công ty Tư vấn chiến lược Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kết hợp với Reserve Resources - nền tảng theo dõi và quản lý chất thải dệt may phổ biến nhất thế giới với dữ liệu và kết nối với hơn 200 nhà máy dệt may, đơn vị tái chế dệt may và các nhãn hàng. Bằng việc tạo tiền đề về dữ liệu rác thải và tối ưu hóa phân loại rác tại nguồn nhằm thúc đẩy, thu hút công nghệ tái chế vải vụn trong công nghiệp dệt may Việt Nam, hướng đến tham vọng tuần hoàn ngành dệt và tạo nên một nguồn nguyên liệu thứ cấp nội địa. Dự án này đã kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong ngành dệt may cùng hợp tác thông qua buổi Webinar vào tháng 10 vừa qua với sự tham gia của hơn 10 nhãn hiệu và nhà máy may như Pantagonia, New Balance, Puma, Far Eastern, Crystal, Saitex và các tổ chức trong và ngoài nước như IDH, GIZ, WorldBank và Vitas.
Giới thiệu về dự án, Reserve Resources đã đề cập đến phạm vi của dự án cũng như những mục tiêu mà dự án tham vọng sẽ đạt được. Dự án này tập trung chủ yếu vào vải vụn trong công đoạn cắt, hình thành dựa trên những cam kết giữa những nhãn hàng và nhà sản xuất. Về mục tiêu, dự án này sẽ thiết lập một mạng lưới tái chế, hướng đến giảm thiểu những tác dộng môi trường của ngành công nghiệp (1kg bông cơ học tái chế tiết kiệm tối thiểu 2,5kg CO2, 960 lít nước và 2.6m2 đất sử dụng), tạo sự minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng và hình thành ngành công nghiệp thời trang bền vững tại Việt Nam.
Để đạt được những mục tiêu này, Reserve Resource cam kết cung cấp một nền tảng theo dõi và quản lý nguồn chất thải dệt may. Nền tảng này sẽ giúp cho chuỗi cung ứng của dòng thải vải đến các nhà tái chế của nhà máy hiệu quả hơn, rút ngắn các giai đoạn, chi phí trung gian và theo dõi được đường đi cụ thể của nguồn thải vài. CL2B – đơn vị quản lý và vận hành dự án, sẽ liên kết các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp dệt may trong nước, hình thành mạng lưới tái chế mới trong ngành công nghiệp dệt may, hướng đến xây dựng một ngành công nghiệp bền vững.
Với mong muốn đưa ít nhất 25 nhà máy trong ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam vào thực hiện dự án, CL2B và Reserve Resource hi vọng thu gom được nhiều nhất là 250 tấn/tháng vải vụn. Dự án cũng sẽ thực hiện việc thử nghiệm tái chế 500kg rác thải vải thành sợi vải tái chế, nhằm thử nghiệm, đánh giá ký thuật và chất lượng sợi tái chế trong từng công đoạn: xe sợi, dệt, hoàn thiện vải và may thành phẩm.
Mục tiêu của dự án là đặt tiền đề và nền tảng về bối cảnh, khoa học, kỹ thuật cần có để quản lý, thu hồi và tuần hoàn nguyên liệu dệt may; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững số 9, số 17 và số 12, dự kiến sẽ được bắt đầu vào đầu năm 2022. Hiện nay, đội ngũ vận hành đang nhanh chóng làm việc với đa bên và kêu gọi sự tham gia của các nhãn hàng và nhà máy để cùng tiến tới bước thỏa thuận và đi vào thực hiện.
Liên hệ: info@cl2b.com và nhận thêm thông tin chi tiết về dự án.