Các đồng đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án.
Dự án cụm công nghiệp Xuân Lai là một trong các dự án trọng điểm về hạ tầng công nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân giai đoạn 2021-2025 và là dự án cụm công nghiệp khởi công đầu tiên trên địa bàn huyện. Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định thành lập cụm công nghiệp ngày 24-3-2020. Công ty CP đầu tư và phát triển Xuân Lai được giao làm chủ đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Cao Lập – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xuân Lai cho biết, dự án có tổng diện tích quy hoạch là 149.945m2 trong đó, quy mô dự án bao gồm: Đất nhà máy, nhà xưởng sản xuất công nghiệp là 104.331m2; đất điều hành, văn phòng là 1.601,6m2; đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật là 2.582,3m2; đất cây nước là 22.021,9m2; đất giao thông là 19.408,2m2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 119 tỷ đồng, trong đó 100% vốn là của chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, việc đầu tư xây dựng dự án Cụm công nghiệp Xuân Lai sẽ bao gồm các nhóm ngành, nghề như: Nhóm các dự án may mặc, da giày; nhóm các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh; nhóm các dự án chế biến thực phẩm, nước giải khát; nhóm các dự án chế biến gỗ (không nấu, tẩm); nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng; nhóm các dự án chế biến nông sản; nhóm các dự án văn phòng phẩm; nhóm các dự án sản xuất các sản phẩm nhựa (điều kiện nguyên liệu sử dụng sản xuất là hạt nhựa); nhóm các dự án sản xuất các sản phẩm kim loại, linh kiện, phụ kiện kim loại và các ngành nghề khác có liên quan tại xã Xuân Lai.
Ông Nguyễn Cao Lập – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Xuân Lai
Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Thọ Xuân nói chung, vùng tả ngạn sông Chu nói riêng; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của huyện, của địa phương; triển khai thực hiện đô thị hóa, đáp ứng nhu cầu tạo quỹ đất xây dựng nhà máy lớn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, đồng thời di chuyển các cơ sở sản xuất địa bàn vào cụm công nghiệp để quản lý vệ sinh môi trường, nước xả thải được tốt hơn, góp phần đưa huyện Thọ Xuân hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, trở thành thị xã trước năm 2030.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có số doanh nghiệp dệt may đứng thứ 4 cả nước, chỉ sau Hà Nội, Tp HCM và Bình Dương. Cụm công nghiệp Xuân La được hình thành trong thời gian tới sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. “Ngay sau lễ động thổ CCN, 1 dự án xây dựng nhà máy dệt may của Công ty may XK Hà Phong với quy mô trên 3000 lao động sẽ được triển khai” ông Giang thông tin.
Trong xu thế bền vững hiện nay, ông Giang đề nghị chủ đầu tư Cụm công nghiệp Xuân Lai cần tập trung đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo, xử lý nước cấp, nước thải, tạo môi trường xanh – sạch cho CCN, đồng thời đề nghị UBND tỉnh, các sở ban, ngành có những chính sách hỗ trợ chủ đầu tư trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để CCN được lấp đầy đúng tiến độ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS phát biểu tại Lễ động thổ
Phát biểu tại lễ khởi công, lãnh đạo huyện Thọ Xuân đề nghị nhà thầu tập trung huy động nhân lực, máy móc, thiết bị thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Quá trình thi công phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. UBND xã Xuân Lai quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ đơn vị thi công, thường xuyên đấu mối giải quyết những khó khăn, vướng mắc kịp thời để dự án triển khai đúng tiến độ; hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản trong quá trình thi công xây dựng. Về phía huyện Thọ Xuân, sẽ tạo điều kiện xây dựng đường điện, trạm biến thế đến hàng rào cụm công nghiệp, làm đường giao thông nối quốc lộ 47C vào cụm công nghiệp...