Ông Trương Tấn Lộc – GĐ Marketing TCT TCSG phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trương Tấn Lộc – GĐ Marketing TCT TCSG cho biết, năm 2021 là một năm đầy khó khăn và thử thách đối với ngành vận chuyển hàng hải, chuỗi cung ứng nói chung, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics nói riêng. Đại dịch covid đã diễn biến hết sức phức tạp. Nhằm triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, các DN phải thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến” do đó nhiều DN chỉ hoạt động khoảng 30% công suất, chi phí phòng chống dịch tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Nhiều đơn hàng gia công bị dịch chuyển.Về logistics: Có tình trạng thiếu container rỗng, thiếu công nhân đóng hàng, thiếu nhân lực XNK, cước tàu tăng cao, tình hình bốc xếp chưa được cải thiện, xu hướng phải gửi hàng bằng máy bay dẫn đến chi phí cao… Thách thức về thiếu lao động: nguy cơ thiếu lao động khi mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có tác dụng tích cực. Trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có những hoạt động hết sức kịp thời nhằm kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, nêu lên những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất những biện pháp tháo gỡ, nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất và giữ vững tiến độ các đơn hàng. Đến nay DN dệt may đã khôi phục được 90% hoạt động SXKD. Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và logistics, TCSG đã nỗ lực duy trì sản xuất và tăng công suất để vừa duy trì hoạt động giao thương của Việt Nam và thế giới, vừa đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS phát biểu
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS đã chia sẻ về tình hình ngành dệt may trong làn sóng covid - 19. Bà Mai cho biết, ngành dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù đại dịch covid – 19 diễn biến phức tạp nhưng ngành dệt may vẫn vượt qua nhiều khó khăn và tiếp tục phát triển. Trong thời gian đại dịch, VITAS cùng với những hiệp hội khác đã tích cực vận động chính sách với các cơ quan chức năng, các nhãn hàng, truyền thông để tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức các chương trình chia sẻ, đồng hành với các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Với những quy định mới về phòng chống dịch của theo NQ 128 của Chính phủ, thời gian qua các doanh nghiệp đã có thể từng bước khôi phục sản xuất. Theo bà Mai, tổng kim ngạch XK ngành dệt may năm 2021 ước tính đạt 39 tỷ USD. Trên cơ sở đó, VITAS dự báo kim ngạch XK năm 2022 của ngành khoảng 42 - 43 tỷ USD.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong phục hồi SXKD, phát triển XNK để đạt kế hoạch đã đề ra, VITAS cũng nêu lên một số đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đó là: UBTVQH sớm ban hành NQ không khống chế giờ làm thêm theo tháng, cho phép DNDM được phép không quá 400 giờ/năm; Ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với DN khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất vay tối thiểu 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc & lãi năm 2021 & 2022; Địa phương không điều chỉnh giá thuê đất và giảm tiền thuê đất 50% cho DN ở các nơi áp dụng CT16 đến hết tháng 6 năm 2022; TP. Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 & giảm 50% năm 2022, TP. Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển đến hết năm 2022. Về chính sách lâu dài: Đề nghị sớm ban hành: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2035; Ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 phù hợp Bộ Luật Lao động 2019; Sửa đổi Quy định về tỷ lệ đóng BHXH và BH thất nghiệp, Quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp; Quy định nộp thuế VAT đối với DN sử dụng vải trong nước để may XK; thuế VAT cho hàng dệt may XK tại chỗ (NĐ 18); Giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% về tối đa 1%. Bà Mai cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có quyết sách phát triển vận chuyển đường biển thương hiệu VN, cụ thể phát triển đội tàu container lớn kinh doanh tuyến xa đi châu Mỹ, châu Âu.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó GĐ Marketing TCSG phát biểu
Tại Hội thảo, các chuyên gia của TCSG đã chia sẻ 5 nhóm giải pháp cụ thể và phù hợp để giúp các doanh nghiệp dệt may tiết kiệm chi phí, gồm:
1. Giải pháp kết nối ICD Tân Cảng – Long Bình, ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch với cụm cảng Cái Mép: Năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Châu Âu tăng 26% và thị trường Mỹ tăng 14% so với năm 2020 cho thấy sự kết nối hàng hóa trực tiếp về các Cảng khu vực Cái Mép tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Với mô hình phát triển dịch vụ về gần nhà máy của doanh nghiệp, Cảng TCSG thúc đẩy giải pháp kết nối hàng hóa, giao nhận trực tiếp tại ICD Tân Cảng - Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch đối với những tàu ghé các cảng TCIT, TCTT tại Cái Mép, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp gần với các ICD này. Ngoài ba hãng tàu đã mở code và có lượng rỗng tại ICD Tân Cảng - Long Bình là COS, Yang Ming, Hapage Lloy thì TCSG tiếp tục phát triển nhóm 15 hãng tàu lớn đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp dệt may tại Đồng Nai để tạo “chợ” Rỗng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
2. Giải pháp khai thác và quản lý kho hàng theo chuỗi cung ứng: Hệ thống kho hiện đại đáp ứng được các tiêu chuẩn cho mặt hàng dệt may, phần mềm quản lý WMS chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, hệ thống Sprinkler, camera an ninh,…. ICD Tân Cảng - Long Bình có thể triển khai quản lý đơn hàng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp dệt may, hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng khi Trung Quốc hiện nay vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid. Đồng thời, mô hình kho phân phối thành phẩm cho các nhãn hàng như H&M, Uniqglo tại ICD Tân Cảng - Long Bình cũng sẽ thuận lợi để phục vụ các nhãn hàng khác vào thị trường Việt Nam với các dịch vụ cung cấp từ vận chuyển, thủ tục hải quan, chứng từ đến xuất/ nhập, packing và phân phối…
3. Giải pháp về thủ tục: “Hải quan một cửa” tạo điều thuận lợi cho khách hàng hoàn thành nhanh chóng về thủ tục hải quan và giao nhận hàng tại cảng bố trí khu thủ tục riêng, quy trình giao nhận riêng. Hệ thống E-port của TCSG giúp cho việc thực hiện thủ tục giao nhận hàng hoá trực tuyến, hạn chế tối đa việc giao dịch trực tiếp tại cảng, tiết kiệm thời gian và nhân lực cho khách hàng.
Các diễn giả giải đáp câu hỏi trong phần tọa đàm
4. Các chính sách của TCSG: Tiếp tục duy trì chính sách Khách hàng thân thiết của TCT TCSG, áp dụng quy tắc tích điểm để thanh toán phí dịch vụ cho các khách hàng sử dụng dịch vụ cảng và logistics tại cảng Tân Cảng - Cát Lái và Tân Cảng – Hiệp Phước. Ngoài ra, chính hỗ trợ lưu bãi và các chi phí phát sinh của doanh nghiệp.
5. Các giải pháp dịch vụ: Với lợi thế hệ thống các cơ sở Cảng, ICD,…trải dài các khu vực phía Nam, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ cao trong vận hành, cùng hợp tác chiến lược với các hãng tàu, TCT TCSG cung cấp dịch vụ và giải pháp logistics trọn gói, giúp khách tiết kiệm được chi phí cho khách hàng. Tùy từng điều kiện của nhóm các doanh nghiệp dệt may, TCSG sẽ xây dựng giải pháp logistics phù hợp.
Các giải pháp nêu trên thể hiện nỗ lực lớn của các các cơ sở miền Nam thuộc hệ thống TCSG trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp dệt may.
Các diễn giả giải đáp câu hỏi trong phần tọa đàm
Lãnh đạo VITAS và TCSG khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc khôi phục và tăng cường các hoạt động SXKD nhằm nâng tầm giá trị, thương hiệu DN, gắn kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng, góp phần đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển bền vững của mỗi DN cũng như của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.