Ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trưng ương ( CIEM) phối hợp với Dự án GIG đã tổ chức Hội nghị” Triển khai Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trưởng kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Chủ trì Hội nghị là Tiến sĩ Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
Ngày 28/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, với những nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Trong Nghị quyết, Chính phủ phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN-4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN-3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 30/5/2016, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Nghị quyết cũng nhấn mạnh phải sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính. Giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016. Đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.
Hội nghị lần này diễn ra nhằm đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết 19 năm 2014 và 2015, giới thiệu các nội dung cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp, cách thức và kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết năm 2016 đối với các bộ, địa phương.
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ về những thách thức Bộ Tài chính phải xử lý trong thực hiện một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực thuế, hải quan nêu trong Nghị quyết 19 năm 2016.
Đại diện Bộ Tài chính đã đề xuất một số nội dung liên quan đến chỉnh sửa luật; phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện một số mục tiêu chung; kiện toàn tổ chức hải quan cửa khẩu; rà soát, làm rõ các loại hàng hóa bắt buộc phải kiểm tra ở cửa khẩu... để cải thiện chỉ số thông quan qua biên giới, giảm chi phí cho DN.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam – Ông Trương Văn Cẩm cũng chia sẻ trong những năm gần đây, những cải cách thủ tục về thuế, hải quan, vận tải (phí, phụ phí tàu biển), quản lý lao động... của các cơ quan quản lý nhà nước đã tác động khá tích cực đối với ngành dệt may. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, ông Cẩm cho rằng thời gian quan vẫn có nhiều quy định bất cập, gây khó khăn cho DN như: Quy định tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng năng suất lao động; đóng BHXH gắn liền với lương tối thiểu; quản lý công đoàn phí... Bên cạnh đó, ông Cẩm cũng kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra hàm lượng formaldehyt); điều kiện nhập khẩu máy in...
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng phản ánh, kiến nghị giải quyết những vướng mắc, khó khăn liên quan tới chính sách và thủ tục hành chính trên các lĩnh vực của môi trường kinh doanh: Thuế, phí; điều kiện kinh doanh; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký sở hữu tài sản; hải quan và quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp cận điện năng; tiếp cận tín dụng; thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng; thủ tục phá sản…
Sau những chia sẻ của Hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã bế mạc Hội nghị bằng bài phát biểu, nhắc lại quan điểm Chính phủ coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế; Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.Ông Hà cho biết, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; việc giám sát thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; các kiến nghị của DN sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.