Đây là một trong các hoạt động bên lề Triển lãm Quốc tế CN dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu – SAIGON TEX 2016. Tham dự Tọa đàm có Ông Nguyễn Đình Trường – Phó CT Vitas, Ông Trương Văn Cẩm – Phó CT kiêm TTK Vitas, các ông/bà UV BCH Vitas; các ông/bà Phó CT, UV BCH Agtek; Đại diện các doanh nghiệp dệt may, trường đào tạo khu vực phía Nam, các công ty nước ngoài và VN có tham gia trưng bày tại Triển lãm.
Mục đích của buổi tọa đàm nhằm tăng cường kết nối, tạo sự hiểu biết và hợp tác liên kết lẫn nhau, phát triển chuỗi cung ứng dệt may giữa các nhà sản xuất cung ứng nguyên phụ liệu và sản xuất kinh doanh, đề xuất các giải pháp hợp tác để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may ở VN, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới và nhằm khai thác những lợi thế của hiệp định TPP và các hiệp định FTA mà VN tham gia.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã giao lưu và trao đổi ý kiến các chuyên gia hàng đầu trong ngành dệt may của VN, cũng như chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong việc phát triển chuỗi cung ứng giữa các DN dệt may, DN hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK Vitas cho biết, buổi tọa đàm này là một hoạt động thí điểm kết nối các doanh nghiệp trong ngành, khi mà bản thân từng DN dệt may chúng ta đa số là vừa và nhỏ, để tạo thành chuỗi cung ứng, cùng gắn kết chặt chẽ như “một con thuyền tiến ra biển lớn”.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Ông Nguyễn Đình Trường – Phó CT Vitas cho rằng, liên kết thành chuỗi là cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên đây là việc khó, cần có bước đi thích hợp, có từng cấp độ và nâng dần lên. Sauk hi chia sẻ những kinh nghiệm từ May Việt Tiến, Ông Trường nhấn mạnh, ở mỗi DN, cần có sự vào cuộc từ TGĐ cho đến các chuyên viên. Liên kết chuỗi là phải có ràng buộc, không chỉ vì tình cảm mà phải có lợi ích kinh tế cho DN.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó CT/TTK Vitas cũng khẳng định rằng, trong điều kiện VN tham gia hiệp định TPP và các hiệp định FTA, sẽ có nhiều cơ hội cũng như thách thực đối với các DN dệt may. Các DN chúng ta cần bắt tay với nhau, phối hợp chặt chẽ thì mới tận dụng được các lợi thế mà những hiệp định này mang lại.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Điền – Phó CT Agtek/ TGĐ Công ty An Phước cho biết, bên cạnh việc mua thương hiệu Pierre Cardin, công ty cũng xây dựng thương hiệu An Phước để phục vụ cho người tiêu dùng VN, với giá chỉ bằng ½ giá SP có thương hiệu Pierre Cardin. Sản phẩm của An Phước tiêu thụ nội địa 60%, xuất khẩu 40%. Về nguyên phụ liệu, DN sẽ dần nội địa hóa để tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Hùng – TCĐ Tổng công ty 28 thừa nhận, DN Việt Nam đa số là vừa và nhỏ, công nghệ hỗ trợ lạc hậu, mẫu mã nghèo nàn, chất lượng thấp mà giá lại cao. Các DN sản xuất vải - nguyên liệu cho may có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi kém. Trong khi đó, chuỗi cung ứng của DN FDI lại rất chặt chẽ, DN khác chen vào cũng không dễ. DN dệt may VN phải đồng lòng liên kết chặt chẽ.
Nhiều đại biểu tham dự, đặc biệt là từ các DN vừa và nhỏ hoan nghênh việc Vitas tổ chức buổi tọa đàm, giúp cho mọi người có nhiều thông tin bổ ích, nhất cơ hội là được tự giới thiệu về công ty của mình, giao lưu và học hỏi những kinh nghiệm thực tế từ các nhà quản trị hàng đầu trong ngành dệt may.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Đình Trường cho biết, sắp tới Hiệp hội và các DN sẽ còn tỏ chức tiếp nhiều các buổi hội thảo, tọa đàm tương tự, đi sâu vào từng ngành hàng cụ thể, đồng thời sẽ có nhiều những hình thức tổ chức, gặp gỡ trao đổi khác phù hợp và thiết thực để góp phần cho các DN dệt may thực sự gắn kết chặt chẽ nhằm tạo sức mạnh lớn hơn cho mỗi DN cũng như ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Bài và ảnh: Nguyễn Bình - Vitas