Ngày 21/3, tại Nam Định, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cùng cán bộ, nhân viên văn phòng Hiệp hội đã tới dâng hương Tổ nghề tại Nhà truyền thống của ngành nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam (25/3)
Lãnh đạo VITAS và cán bộ nhân viên văn phòng Hiệp hội dâng hương Tổ nghề tại Nhà truyền thống ngành
Đây là hoạt động nhằm khơi gợi truyền thống, tinh thần lao động và niềm tự hào về những giá trị và thành quả mà ngành đã mang lại trong những năm qua. Năm 2022, bằng ý chí nỗ lực vượt mọi khó khăn của doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam tự hào đạt kim ngạch xuất khẩu 44,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS ghi lại lưu bút tại Nhà truyền thống
Trước bối cảnh thị trường thế giới còn biến động, lạm phát toàn cầu tăng cao khiến sức mua giảm từ các thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU,.., 2023 sẽ là năm những truyền thống quý báu của ngành cần được phát huy hơn bao giờ hết. Lãnh đạo VITAS cùng các doanh nghiệp dệt may sẽ đồng lòng chung sức để góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Khu Nhà truyền thống ngành dệt May Việt Nam tại Nam Định
Bảo tàng dệt May Việt Nam – nơi lưu trữ giá trị lịch sử, văn hóa của ngành
Với truyền thống tự hào và những thành tích nổi bật của ngành Dệt May, ngày 4 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-TTg lấy ngày 25 tháng 03 làm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam.
Cán bộ, đoàn viên, người lao động (CBĐVNLĐ) ngành Dệt May hôm nay biết ơn và tự hào trước công lao của tiền nhân đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành và những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh đi trước trong 2 cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng XHCN để Việt Nam được tự do, giàu đẹp và phát triển.