Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hơn 160 đại biểu tham dự hội thảo Sản xuất bền vững cho chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam tại TP. HCM

17/05/2022 05:42 CH
Ngày 13/05/2022, tại tòa nhà Landmark 81, TP. HCM, Hiêp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề: “Sản xuất bền vững cho chuỗi cung ứng dệt may”. Hơn 160 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp dệt, may, thời trang, kiểm định và các nhãn hàng… khu vực phía Nam đã tham dự hội thảo.

Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận những dịch vụ về kiểm định, giám định và đánh giá nhà máy phù hợp với các tiêu chuẩn xuất hàng vào các thị trường trọng điểm, nắm được các giải pháp truy xuất nguồn gốc của sản phẩm từ nguyên liệu để tăng cường kết nối doanh nghiệp dệt may, góp phần thực hiện các cam kết trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững trên thị trường quốc tế.

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu được 11 tỷ USD. Dự kiến xuất khẩu năm 2022 khoảng 47 – 48 tỷ USD. Sau khi phân tích các cơ hội và thách thức của ngành dệt may Việt Nam, Ông Giang nêu rõ những giải pháp đặt ra cho ngành dệt may để phát triển bền vững. Đó là: các doanh nghiệp phải đầu tư vào các chuẩn mực trong hệ thống đánh giá theo những yêu cầu của nhãn hàng, đầu tư về cơ sở hạ tầng, thiết bị, hệ thống xử lý nước thải với công nghệ hiện đại, đầu tư hệ thống làm mát… đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động; Áp dụng chính sách lao động phù hợp với yêu cầu của luật lao động, các FTA và nhãn hàng; Xây dựng lộ trình, giải pháp về sử dụng sản phẩm, vật liệu tái chế, tái tạo. Ông Giang đề nghị IFC tìm các nguồn quỹ tài chính cho các dự án đầu tư xử lý nước thải trong ngành dệt may, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng tầm nhìn cho phát triển bền vững.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS

Sau khi khái quát về ngành dệt may, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS đã phân tích  về định hướng sản xuất bền vững cho toàn chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam. Bà Mai nêu rõ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ VN cũng như yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), giống như kiềng 3 chân. Bà Mai  khẳng định, muốn tăng trưởng bền vững là phải “xanh hóa ngành dệt may Việt Nam”. Trong phần khuyến nghị đối với DN, 5 gói giải pháp chính được giới thiệu. Đó là: Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid; Giải pháp về thị trường; Giải pháp phát triên nguồn nhân lực; Giải pháp về công nghệ số và Tuân thủ các quy định về lao động và môi trường. Các giải pháp này để nhằm tăng cường liên kết chuỗi cung ứng và góp phần xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.  

 

Bà Vũ Tường Anh – Đại diện IFC

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe: Bà Vũ Tường Anh – Quản lý Chương trình sản xuất bền vững khu vực Mekong của IFC trình bày về Sản phẩm dệt may bền vững; Bà Candy Nguyễn - CV Quản lý Dự án về Lao động của nhãn hàng H&M chia sẻ về Chương trình hợp tác tác động bền vững tại H&M.

Các đại biểu cũng được nghe đại diện các doanh nghiệp trong khối dịch vụ kiểm định: Bà Lina Võ - GĐ khu vực DV phân tích và bền vững, Kv Đông SEA, Công ty Bureau Veritas trình bày về giải pháp bền vững một cửa; Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó TGĐ Công ty HQTS nói về những thách thức về chất lượng trong chuỗi cung ứng cho hoạt động bền vững; Bà Ngọc Tuyền - Quản lý Phòng thí nghiệm Công ty QIMA VN trao đổi về các giải pháp thông minh mang lại sự an toàn và tin cậy cho thương mại trên toàn cầu; Ông Augustino (Viên Nguyễn) – GĐ Kiểm toán & Chất lượng IDFL chia sẻ về Hàng giả và hàng thật trong ngành thời trang.

 

Phiên tọa đàm của đại diện các DN khối kiểm định và nhãn hàng

Trong phiên tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất rằng phát triển bền vững là xu thế tất yếu và đã trở thành con đường bắt buộc với tất cả các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đại diện doanh nghiệp, các diễn giả đã trao đổi về những cơ hội, thách thức và vai trò của các nhãn hàng, DN khối kiểm định trong sự gắn kết chuỗi cung ứng dệt may và đề xuất các sáng kiến, giải pháp trong hành trình hướng tới phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.

Buổi hội thảo không chỉ tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, nhãn hàng trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá chiến lược, hiện trạng, thuận lợi cũng như khó khăn trong triển khai sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững cho chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam, mà còn là cầu nối kết nối giữa các doanh nghiệp với các đối tác trong nước và quốc tế. Hội thảo mở thêm những cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp dệt may với các công ty cung cấp giải pháp kiểm định, giám định sản phẩm & đánh giá nhà máy trong phát triển sản xuất với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

Toàn cảnh hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo đều đánh giá cao những nội dung trình bày, kinh nghiệm và sự nhiệt tình của các diễn giả và mong muốn VITAS cùng với IFC và các tổ chức quốc tế khác tiếp tục có những hội thảo, tập huấn, diễn đàn về những kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới, chuyển đổi số... trong ngành dệt may để đáp ứng những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường gắn kết trong chuỗi cung ứng cũng như góp phần phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 



Bài và ảnh:  Nguyễn Bình - VITAS  
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.861
Khách
: 1.188
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0