Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hội nghị tổng kết VITAS – 3 kịch bản cho năm 2022

19/12/2021 01:39 CH
Ngày 17/12/2021, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021, dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM nhằm đánh giá tình hình ngành dệt may Việt Nam, hoạt động của VITAS trong năm 2021 và đề ra những nhận định và phương hướng chủ yếu trong năm 2022

Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe: Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch/TTK VITAS trình bày “Báo cáo tổng kết 2021 của ngành dệt may Việt Nam & VITAS, phương hướng hoạt động năm 2022”; TS. Vũ Thành Tự Anh - Trường ĐH Fullbright phát biểu tham luận “Kinh tế thế giới và Việt Nam trong bối cảnh Covid-19”; Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt May VN trao đổi về “Cơ hội và thách thức cho ngành dệt may Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”; Ông Võ Mạnh Hùng - Đại diện HH Bông Mỹ chia sẻ về “Liên kết chuỗi cung ứng trong ngành dệt may – cơ hội và thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch/Tổng thư ký VITAS báo cáo về hoạt động và kết quả Hiệp hội đã đạt được trong năm 2021 vừa qua

Theo Báo cáo của VITAS, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý 3/2021, nhưng ngành dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây là một nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh các nước trên thế giới cũng như Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.  

Đánh giá về hoạt động năm 2021, Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, kết quả này khẳng định sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi của các doanh nghiệp ngành dệt may trong tình hình mới, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động, sự hỗ trợ, chia sẻ, gắn kết của các DN miền Trung, miền Bắc đối với DN phía Nam.


Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS phát biểu tại buổi Tổng kết

Dự báo trong năm 2022, VITAS đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may. Cụ thể, kịch bản tích cực nhất, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I năm 2022, kim ngạch xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ đạt 41,5 - 42,5 tỷ USD; Kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 40 - 41 tỷ USD; Kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 38-39 tỷ USD.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, mặc dù năm 2022 dự báo tổng cầu dệt may thế giới sẽ tăng trở lại mức tương đương năm 2019, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Nổi bật là chi phí vận tải vẫn ở mức cao. Thứ hai là bất lợi về tỷ giá so với các đối thủ cạnh tranh, gián tiếp ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với các đối thủ. Một thách thức nữa, là do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 đã làm phát sinh làn sóng chuyển dịch lao động dẫn đến thị trường lao động mất cân đối nghiêm trọng.


Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Vinatex

Đại diện lãnh đạo VITAS kiến nghị, Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược Vacxin là giải pháp căn cơ để các DN phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”; Mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ - Điều kiện để dễ tiếp cận - Thời gian áp dung 2-3 năm; Ban hành quy định phù hợp thực tế (NĐ về HD luật BVMT…) - Sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho DN (tỷ lệ đóng BHXH, kinh phí công đoàn, thuế, phí…) - Bỏ hạn chế thời gian làm thêm theo tháng, nâng thời gian làm thêm/năm lên 400 giờ; Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may & Da giày VN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng CN 4.0 để hiện đại hóa SX, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.


Ông Bùi Xuân Khu - Chủ tịch danh dự kiêm trưởng ban cố vấn VITAS

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2021 là một năm cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các DN phía Nam, nhiều đơn vị phải tái cấu trúc, phá sản… Tuy nhiên, với việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, với sự nỗ lực vượt bậc của DN, sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các vùng miền, ngành dệt may đã vươn lên, đạt những kết quả khả quan về SXKD và XNK. Trao đổi về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch Covid-19, các đại biểu cho rằng, việc đầu tư thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn. Các nhãn hàng nếu xem thị trường Việt Nam là đối tác lâu dài thì cần chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với năm 2022 và những năm tới, cần có định vị rõ ràng trong chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam.


Phát biểu kết luận hội nghị, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, các doanh nghiệp cần áp dụng linh hoạt Chỉ thị 128 của Chính phủ phòng chống dịch tốt để duy trì sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu mỗi doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các đơn hàng đây sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp phát huy được thế mạnh riêng và tận dụng được thế mạnh của tập thể, đồng thời học hỏi được các mô hình quản trị, công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp cố gắng khai thác các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là hiệp định RCEP để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mỗi DN xây dựng giải pháp phát triển bền vững. Đây là xu thế trong hội nhập, không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành dệt may tới năm 2030 phải có 30 thương hiệu quốc tế. Cần xây dựng chiến lược về thương hiệu quốc gia, quốc tế của mỗi DN cũng như ngành dệt may. VITAS sẽ kiến nghị thành lập chi hội Thời trang và 2 trung tâm Thời trang tại Hà Nội và TP. HCM. Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu 42,5 tỷ USD, phấn đấu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên, sẽ phải có các giải pháp chiến lược về ổn định lao động và cố gắng nâng thu nhập của người lao động trong ngành lên 4,5 - 4,6 ngàn USD/người/năm. Ông Giang nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế của mình. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về sự minh bạch, chất lượng sản phẩm, công nghệ, năng suất lao động, thời gian giao hàng, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên. VITAS sẽ luôn luôn chia sẻ, đồng hành cùng các DN, kiến nghị giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN. Mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu vì sự phát triển bền vững của mỗi DN cũng như ngành dệt may Việt Nam.

Bài: Nguyễn Bình

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.824
Khách
: 1.151
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0