Ngày 20/4/2022, tại TP HCM, đại diện Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có buổi làm việc trao đổi và đề xuất phối hợp nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện IDCS, Ông Hoàng Bá Sơn – Q. Giám đốc chia sẻ về các chương trình do Trung tâm chủ trì triển khai năm 2022 tại khu vực phía Nam, những mục tiêu kỳ vọng và đề nghị phía Hiệp hội phối hợp triển khai nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên nói riêng và lĩnh vực dệt may nói chung. Các chương trình sẽ phối hợp triển khai với Hiệp hội gồm hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ kết nối, tham gia và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế lĩnh vực dệt may. Đặc biệt, chương trình mở rộng giao thương giúp hội viên ngành dệt may mở rộng thị trường sang châu Âu, tận dụng tối đa hiệp định EVFTA.
Trao đổi về tình hình chung của ngành dệt may và Hiệp hội, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký VITAS cho biết, VITAS hiện có số lượng hội viên hơn 700 doanh nghiệp gồm các đơn vị trong chuỗi sản xuất – kinh doanh Sợi - Dệt - Nhuộm – May; cùng với nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ & sản phẩm phục vụ ngành dệt may như nguyên phụ liệu, hóa chất, ngân hàng, tài chính, năng lượng, đào tạo... cũng là thành viên. Bà Mai đánh giá cao phương thức phối hợp triển khai các chương trình phát triển công nghiệp mà IDCS đề xuất. Đặc biệt, với uy tín và kinh nghiệm của Hiệp hội, việc phối hợp triển khai chương trình phát triển công nghiệp với trung tâm sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, phát huy tối đa nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo đại diện IDCS, năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương triển khai sâu rộng, toàn diện chương trình phát triển công nghiệp theo nội dung Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 đến 2025. Với 4 lĩnh vực ưu tiên phát triển gồm lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí, sản xuất linh phụ kiện ô tô, sản xuất linh kiện điện tử và sản xuất sản phẩm dệt may – da giày. Bên cạnh đó, các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư nhằm tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp cũng được triển khai.
Với số lượng lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thụ hưởng chương trình cùng quy mô sản xuất, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ rộng, địa bàn trải dài khắp toàn quốc, việc triển khai các chương trình cần sự phối hợp của các tổ chức, công đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát huy hiệu quả mọi nguồn lực trong thực thi nhiệm vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt may da giày.