Thời gian gần đây, rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước có số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng. Trong đó, có số lượng lớn F0 là người lao động (NLĐ) có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Trong trường hợp này, để được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH thì NLĐ cần phải đảm bảo đủ điều kiện và hồ sơ theo quy định như thế nào? Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều bạn đọc là NLĐ bị nhiễm COVID-19 gửi đến Pháp Luật TP.HCM.
Nhằm giải đáp những thắc mắc của người dân, cơ quan BHXH TP.HCM đã có những thông tin cụ thể liên quan đến vấn đề trên.
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
. Phóng viên: Theo quy định hiện nay, NLĐ là F0 có tham gia BHXH thì cần phải đáp ứng điều kiện gì để được nhận chế độ ốm đau và hồ sơ gồm những giấy tờ gì?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Về điều kiện hưởng chế độ ốm đau, tại Điều 25 Luật BHXH quy định NLĐ bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới bảy tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho NLĐ bị mắc COVID-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới bảy tuổi bị mắc COVID-19.
Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau: Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng BHXH.
Cụ thể, hồ sơ đề nghị hưởng đối với NLĐ là F0 hoặc chăm con dưới bảy tuổi là F0 gồm giấy tờ sau: Đối với NLĐ là F0 điều trị nội trú thì cần giấy ra viện. Đối với NLĐ là F0 điều trị ngoại trú cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
. Thời gian và mức hưởng chế độ ốm đau được quy định như thế nào?
+ Về thời gian hưởng thì tại Thông tư số 56/2017 quy định mỗi lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày.
Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày, khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, F0 phải tiến hành tái khám để bác sĩ xem xét quyết định. Thời gian hưởng tối đa trong một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 27 Luật BHXH.
Về mức hưởng, tại khoản 1 Điều 28 Luật BHXH quy định trong thời gian nghỉ, NLĐ sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Được hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe
. Ngoài chế độ ốm đau thì NLĐ còn được hưởng chế độ nào khi là F0?
+ Căn cứ Điều 29 Luật BHXH, sau khi điều trị các bệnh khác hoặc COVID-19, nếu NLĐ đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của NLĐ vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức sẽ do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày, đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa bảy ngày, đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật…
Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày.
Với phương châm đảm bảo tốt nhất quyền lợi thụ hưởng cho người tham gia, ngành BHXH Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH đối với NLĐ mắc COVID-19 có hồ sơ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp NLĐ bị nhiễm COVID-19, gặp khó khăn trong việc cấp các hồ sơ giấy tờ làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ BHXH thì liên hệ với cơ quan y tế tại địa phương để được hướng dẫn.
Quỹ BHYT sẽ thanh toán những khoản nào cho F0?
Theo Công văn 3100 của Bộ Y tế về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) liên quan tới dịch COVID-19 quy định: Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí KCB các bệnh khác (bệnh nền hoặc bệnh phát sinh) trong phạm vi mức hưởng BHYT như đối với trường hợp đi KCB đúng tuyến.
Ngân sách nhà nước đã chi trả chi phí KCB do COVID-19 bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Quỹ BHYT chi trả chi phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với đối tượng có thẻ BHYT, khi đi KCB được chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.
Đối với các trường hợp bệnh nhân đã hoàn tất việc điều trị bệnh COVID-19, sau khi ra viện được chỉ định về phục hồi chức năng để điều trị các di chứng về vận động… thì Quỹ BHYT thanh toán như các bệnh khác theo quy định pháp luật về BHYT.