Tham gia cùng đoàn có các giáo sư, nhà nghiên cứu thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích Việt Nam, Đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách VN... Về phía Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) có Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK kiêm Trưởng VPĐD Vitas tại TP. HCM, Bà Nguyễn Thị Sao Kim – Viện trưởng Viện Mẫu Thời trang (Fadin).
Trong thời gian trên, Đoàn đã tổ chức 4 buổi tọa đàm với các hệ phái: Khất sỹ, Nam tông Kinh, Nam tông Khơmer, đi điền giã và khảo cứu một số ngôi Chùa tiêu biểu của các hệ phái và thăm cơ sở may mặc Pháp phục Phật giáo tại TP. HCM.
Tại các buổi tọa đàm, Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó Trưởng Ban thường trực Ban VHTW GHPGVN đã trình bày tóm tắt nội dung và kế hoạch triển khai các đề án: Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Ban VHTW mong nhận được ý kiến đóng góp của Phật tử, công chúng trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu, xây dựng đặc trưng Văn hóa Phật giáo VN.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó Trưởng ban thường trực Ban VHTW GHPGVN trình bày các Đề án
Về đề án Pháp phục, yêu cầu chuyên môn phải đảm bảo tính hài hòa giữa hiện đại – truyền thống, tính phổ biến – đặc trưng/địa phương, tính thống nhất trong đa dạng (thống nhất về pháp phục Phật giáo VN trong đa dạng pháp phục các hệ phái, tông môn/địa phương, vùng miền); Phù hợp với các hệ phái; Pháp phục quốc lễ và quốc tế lễ/ngoại giao; Phù hợp với khí hậu, thời tiết từng miền; Đảm bảo đặc trưng riêng của Pháp phục Phật giáo VN trong tổng thể Pháp phục Phật giáo các quốc gia châu Á khác. Đề án Pháp phục nhằm thống nhất trong đa dạng về pháp phục Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ. Các tiêu chí về pháp phục cần đáp ứng được tính chất hoạt động trong giới tu hành và giúp quần chúng dễ dàng nhận biết các giới phẩm thuộc hệ thống GHPGVN. Pháp phục được đặt ra như: Lễ phục - giáo phục - thường phục dành cho Pháp chủ, đệ nhất phó pháp chủ, các phó pháp chủ, hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức, sadi, hình đồng, sư cô, ni cô, phật tử; các phụ kiện: mũ, giầy dép, túi xách...
Thượng tọa Danh Lung - Trụ trì Chùa Candaransi giới thiệu về kiến trúc của Chùa
Thượng tọa Ekasuvanna Danh Lung – Phó Ban VHTW GHPGVN, Trụ trì Chùa Candaransi cho biết, lâu nay nhà chùa vẫn mua vải từ Campuchia để may pháp phục. Các Thầy cũng đề nghị ngành dệt may cần quan tâm đến thị trường nội địa – cung cấp vải để may pháp phục cho các chùa.
Bà Ng. Thị Tuyết Mai – Phó TTK Vitas phát biểu
Bà Ng. Thị Tuyết Mai – Phó TTK Vitas ghi nhận về việc các chùa vẫn phải mua vải từ nước ngoài và sẽ báo cáo Lãnh đạo ngành dệt may. Bà Mai cho biết, Vitas cần số liệu khảo sát của GHPG, sẽ nghiên cứu chất liệu may pháp phục, kết nối với các DN trong nước sản xuất nguyên, phụ liệu, các công ty may, tổ chức thiết kế để ban Chủ nhiệm đề án lấy ý kiến rộng rãi với các Chư tôn đức, quần chúng Tăng Ni, Phật tử thuộc các hệ phái. Yêu cầu thiết kế phải phù hợp với thời tiết vùng miền, tạo sự thuận tiện trong sử dụng và thân thiện với con người và môi trường. Logo biểu tượng phải thể hiện được các nét đặc trưng của mỗi hệ phái.
Bà Ng. Thị Sao Kim – Viện trưởng Fadin phát biểu
Bà Ng. Thị Sao Kim – Viện trưởng Fadin nêu rõ, Viện sẽ tiến hành khảo sát kỹ hơn, toàn diện hơn, định dạng và hệ thống hóa lại, tìm ra phương pháp cho phù hợp, tổ chức việc thiết kế đáp ứng các yêu cầu của PGVN. Việc triển khai đề án chỉ có tâm chưa đủ mà phải có hệ thống phương pháp khoa học.
Tại buổi những buổi tọa đàm, các hệ phái đều thống nhất với chủ trương chuẩn hóa đặc trưng Văn hoá Phật giáo Việt Nam. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, thống nhất những nội dung phù hợp để định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản văn hóa và số hóa 3D các ngôi chùa, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến cụ thể về triển khai các đề án sao cho đảm bảo hài hòa về thống nhất trong sự đa dạng, thống nhất giữa đặc trưng của mỗi hệ phái với Phật giáo Việt Nam nói chung.
Các đại biểu dự tọa đàm
Chủ trì các buổi tọa đàm thống nhất mỗi đề án sẽ có buổi làm việc/tọa đàm riêng để trao đổi sâu hơn, đánh giá đầy đủ và tổng hợp các ý kiến đề xuất, bổ sung thành văn bản chuyển về cho Chủ nhiệm các đề án, sau đó Ban VHTW GHPG thực hiện kế hoạch tổng thể nhằm chỉnh sửa và triển khai các bước tiếp theo. Các giáo sư, chuyên gia tham dự trong đoàn đã bày tỏ về việc nhận thức được sâu sắc hơn tính đa dạng, đa sắc màu của các hệ phái tạo nên sự phong phú của Phật giáo VN và đã đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện các đề án.
Hòa thượng Thích Trung Hậu – Trưởng ban VHTW GHPGVN phát biểu
Tại buổi họp tổng kết, Hòa thượng Thích Trung Hậu – Trưởng ban VHTW GHPGVN cho rằng chuyến đi làm việc của đoàn có ý nghĩa lớn, đón nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các hệ phái, qua mấy ngày làm việc tại các nơi, đã xác định rõ hướng đi. Hòa thượng đã nhấn mạnh quan điểm về thống nhất trong đa dạng. Thượng tọa Thích Thọ Lạc nêu rõ, 4 đề án này phải được liên kết chặt chẽ với nhau, cần thành lập các nhóm chuyên gia nghiên cứu, huy động thêm nhiều cơ quan, đơn vị tham gia; các nhóm sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, tăng cường tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng. Săp tới vào đầu tháng 07/2016 Ban VHTW GHPG sẽ tổ chức triển lãm, hội thảo nhân kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, các đơn vị, hệ phái sẽ chuẩn bị bài tham luận tại hội thảo. Dự kiến cuối tháng 9/2016 sẽ tổ chức tọa đàm tại phía Nam.
Bài và ảnh: Nguyễn Bình - Vitas