Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

Tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024"

06/11/2023 04:26 CH

Ngày 3/11/2023 tại hội trường của Báo Người Lao Động Tp.HCM đã diễn tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" (dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến) nhằm ghi nhận ý kiến, hiến kế của các chuyên gia kinh tế, địa phương, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển song song với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Tham dự sự kiện có lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, đồ gỗ, du lịch, hệ thống siêu thị… Đại diện VITAS, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó TTK đã tới dự và phát biểu.


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP cả nước 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế thông qua 3 trụ cột gồm đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức khiến các động lực tăng trưởng suy giảm rõ rệt. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng - chỉ đạt 51% kế hoạch; tiêu dùng nội địa chậm lại do tình hình trong nước khó khăn và đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, sức ép mới về lạm phát, tỉ giá và những khó khăn còn tiếp diễn của thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... cũng là bài toán nan giải với nền kinh tế.
Đà tăng trưởng bị kìm hãm bởi nhiều lý do khiến mục tiêu GDP năm 2023 tăng 6,5% theo nghị quyết của Quốc hội khó thể hoàn thành. Trên cơ sở kết quả 9 tháng và dự báo tình hình trong nước, thế giới thời gian tới còn nhiều khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2023 lần lượt là 5%; 5,5% và 6%. Giải pháp nào có thể triển khai ngay để "chạy nước rút" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn từ nay đến đầu năm 2024 là câu hỏi cấp thiết được đặt ra khi thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều. Do đó, rất cần sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương nhằm tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa cơ hội từ cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế. Trong đó, cần tập trung vào những lĩnh vực có thể đóng góp lớn cho tăng trưởng như: công nghiệp chế biến - chế tạo, xuất khẩu, du lịch, xây dựng - bao gồm cả dự án đầu tư công và tiêu dùng nội địa.


Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, bà Mai cho biết: “Phải nhìn nhận là chưa bao giờ ngành dệt may rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như hiện nay.”
Liên tục nhiều năm, ngành dệt may có mức tăng trưởng khả quan (trừ năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19). Năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu 44,4 tỉ USD, thuộc top 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới. Đến cuối 2022, toàn ngành đã bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng. Đến 2023, tình hình cực kỳ là khó khăn do các thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc, giá thành nguyên liệu tăng…trong khi doanh nghiệp (DN) hầu hết lệ thuộc vải nhập khẩu (trước dịch nhập rất nhiều từ Trung Quốc, Đài Loan). 
Một khó khăn nữa là toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắc nghiệt, đòi hỏi DN phải đầu tư nhưng giá trị đơn hàng không tăng. Thêm vào đó lànhững luật mới như luật về chống lao động cưỡng bức của Mỹ, luật tra soát toàn bộ chuỗi cung ứng của Đức với những quy định rất chặt chẽ về sử dụng lao động trong sản xuất mà DN phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, trong vấn đề môi trường, yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhãn hàng buộc DN phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… khiến giá thành sản xuất tăng.
Tín hiệu sáng cho ngành là tình hình sản xuất kinh doanh đang ấm dần lên. 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu toàn ngành đạt 22,6 tỉ USD, âm 15% so với cùng kỳ 2022. Đến hết 10 tháng, xuất khẩu toàn ngành ước đạt 33 tỉ USD, còn âm khoảng 12,45% so với cùng kỳ 2022. 


Bà Tuyết Mai - đại diện VITAS phát biểu

Trên cơ sở nhận diện, phân tích những khó khăn, tồn tại, VITAS đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu năm nay về mức khả thi hơn là 40 tỉ USD.Trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Người Lao Động về những giải pháp hỗ trợ vượt qua khó khăn, bà Mai cho biết hoạt động của ngành dệt may đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.VITAS đã hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo để khuyến nghị DN đa dạng hóa thị trường, thông tin cho DN về những cơ hội, lợi thế ở các thị trường Việt Nam có hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, VITAS cũng khuyến nghị DN nên đa dạng hóa mặt hàng. Trong giai đoạn vừa qua, một số DN đã năng động, linh hoạt mở rộng ngành hàng, sẵn sàng nhận những đơn hàng nhỏ, giá không cao, làm chỉ đủ chi phí để giữ chân người lao động. Và DN buộc phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ngành dệt may có tới 80% DN vừa và nhỏ nên gặp khó khăn trong chuyển đổi số nhưng đó là việc buộc phải làm. Có thể bắt đầu bằng việc sử dụng các phần mềm thiết kế 3D, chủ động chọn vải để bán với giá cao hơn hoặc quản trị số giúp giảm rủi ro, gia tăng hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, để tăng cường hỗ trợ hội viên, VITAS đã làm việc với các tổ chức ngân hàng, tổ chức cho thuê tài chính để triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ DN…

Trong hơn 3 giờ đồng hồ, tọa đàm đã có gần 20 lượt ý kiến phát biểu sôi nổi. Những vấn đề tọa đàm đưa ra có giá trị rất lớn về mặt tư vấn chính sách cho các cơ quan nhà nước nhằm tìm ra giải pháp tích cực nhất cho 2 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

Tổng hợp ý kiến các đại biểu, Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã đúc kết 9 nhóm giải pháp lớn từ đây đến hết 2023, 2024 và tầm nhìn đến 2025:
-  Tập trung là tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, cơ chế chính sách
- Tập trung xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh, chú trọng vào năng lượng tái tạo
- Tăng cường xuất khẩu, mở mới thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm
- Tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa
- Đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là tại những TP lớn
- Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
- Tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư FDI mạnh hơn nữa
- Sớm khôi phục thị trường bất động sản để kích thích các ngành kinh tế khác phát triển theo
- Cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Không tô hồng, không lạc quan tếu mà phải đánh giá đúng bản chất của hiện tượng để tìm ra giải pháp hợp lý và thực thi các giải pháp đó.

Nếu 9 nhóm giải pháp này làm mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm và 6 tháng đầu năm 2024 thì hy vọng rằng cuối năm 2024, đầu năm 2025 chúng ta sẽ thấy được ánh sáng cuối đường hầm.

Bài và ảnh: Quỳnh Anh 

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.507
Khách
: 2.136
 
Tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" Rating: 5 out of 10 123582.
Core Version: 1.8.0.0