Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Dệt may Việt Nam và thế giới: Nhìn từ năng lực cạnh tranh

12/11/2014 11:02 SA
Trong cuộc đua với ngành dệt may thế giới, để duy trì được lợi thế trên trường quốc tế, các doanh nghiệp dệt may Việt và Nhà nước cần có sự phối hợp và không ngừng đưa ra những biện pháp, chính sách mới phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh hiện nay.
Trong ngành dệt may, tuy cả vốn và lao động đều cần thiết
nhưng lao động vẫn đóng một vai trò quan trọng hơn. Nguồn: internet
Bối cảnh quốc tế

Hiện nay, ngành dệt may thế giới đang chứng kiến sự quay lưng của các chủ đầu tư vào những nhà cung ứng truyền thống như Trung Quốc và Bangladesh - hai nước xuất khẩu dệt may đứng thứ nhất và thứ nhì thế giới để chuyển sang đầu tư vào những nhà sản xuất tiềm năng hơn ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và Indonesia. Sự chuyển hướng đầu tư này phản ánh rõ ràng nhất cho sự thay đổi trong năng lực cạnh tranh của các nước.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này, trong đó đầu tiên phải kể đến sự gia tăng giá thành sản xuất ở Trung Quốc, đây trở thành một thách thức lớn đối với những công ty nước ngoài đã, đang và có ý định thuê gia công ở nước này. Một nguyên nhân khác đó là việc Bangladesh đang mất dần khả năng cạnh tranh của mình. Vấn đề ở chỗ danh tiếng của ngành may mặc nước này đang giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, đặc biệt là sau thảm kịch sập nhà máy khiến 1.127 người thiệt mạng, hay vụ cháy nhà xưởng vào tháng 11/2013. Hơn thế nữa, tình hình chính trị bất ổn ở Bangladesh cũng khiến cho các CEO phải đau đầu.

Đối mặt với những khó khăn đến từ thị trường Trung Quốc và Bangladesh, các công ty đa quốc gia đã thử sức với nhiều nền kinh tế khác như Ấn Độ, châu Phi và châu Nam Mỹ. Tuy nhiên, những nước này đều có những vấn đề riêng. Cụ thể, Ấn Độ hoàn toàn không phù hợp với một mô hình sản xuất quy mô lớn và gấp rút, châu Phi lại không đủ lao động có trình độ tay nghề phù hợp với những đơn hàng cao cấp, còn châu Mỹ La-tinh thậm chí còn không đủ nhân công có khả năng sử dụng máy may. Chỉ có Việt Nam, Indonesia và Campuchia là những quốc gia phù hợp nhất cho việc thuê gia công đối với ngành hàng may mặc trong thời kỳ khó khăn này.

Các nguồn lợi thế so sánh

Trong ngành dệt may, tuy cả vốn và lao động đều cần thiết nhưng lao động vẫn đóng một vai trò quan trọng hơn.

Ở những nước như Trung Quốc và Bangladesh, có rất nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc. Ví dụ như ở Bangladesh, các công ty dệt may cung cấp việc làm cho khoảng 1,8 triệu người trong năm 2000, ước tính sẽ tăng lên 25% vào năm 2021. Sự dồi dào về lao động đã dẫn tới việc giá nhân công rất thấp. Theo một thống kê năm 2010, Bangladesh là nước có giá lao động dệt may thấp nhất thế giới (0,21USD/giờ), tiếp sau đó là Campuchia với 0,24USD/giờ, lao động Việt Nam nhận khoảng 0,52USD/giờ.

Ngoài chi phí trả cho lao động thì các doanh nghiệp dệt may cũng phải tốn kém cho các khoản đầu tư khác, ví dụ như nguyên liệu thô. Kể từ năm 2010, giá thành nguyên liệu thô, đặc biệt là bông đã tăng lên mức không thể kiểm soát. Điều này có thể được lý giải bằng các yếu tố cạnh tranh vụ mùa, bất ổn thời tiết và sự dao động của tỷ giá hối đoái. Ngoài việc thay đổi theo mùa, giá cotton ở những nước khác nhau cũng không giống nhau. Trong những nước có thể mạnh về dệt may, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Trung Quốc được xem là có lợi thế nhờ vào nền sản  xuất sợi tự nhiên trong nước. Trái lại, Việt Nam với sản lượng may mặc ngày càng tăng, lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên liệu sản xuất do quá phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2010, cả nước đã nhập khoảng 5,37 tỷ USD tiền vải, 1,16 tỷ USD sợi, 664 triệu USD bông và chi 1,7 tỷ USD để nhập các nguyên liệu khác. 6 tháng đầu năm 2014, trong tổng giá trị 7,7 tỷ USD nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu dệt may, nhập khẩu sợi tăng ít nhất (3,5%). Trong khi giá trị nhập vải là 4,63 tỷ USD, tăng 17,5%, bông tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Dệt may là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2000 đạt 1,89 tỷ USD, năm 2005 đạt 4,77 tỷ USD, năm 2010 đạt 11,2 tỷ USD, năm 2013, đạt 22 tỷ USD bằng 11 lần năm 2000.

Sự chêch lệch về chi phí sản xuất giữa các nước đang phần nào được bù đắp bằng trợ cấp của Chính phủ. Trong một báo cáo của Hội đồng Dệt may quốc gia, Trung Quốc đã đưa ra 30 chính sách khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may từ trung ương đến địa phương. Tương tự như vậy, Chính phủ Indonesia không chỉ hỗ trợ 10% cho các doanh nghiệp sợi trong nước và 15% cho các nhà sản xuất nước ngoài mà còn hứa hẹn sẽ hỗ trợ cả nhiên liệu và miễn giảm thuế đánh lên máy móc. Ở Ấn Độ, chính quyền vừa ký 25 bản ghi nhớ về thỏa thuận sơ bộ trị giá 185 triệu rúp để giúp các doanh nghiệp dệt may mở rộng cơ sở sản xuất hiện thời. Việt Nam cũng có những biện pháp khác để khuyến khích ngành dệt may nước nhà ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng đánh lên bông nhập khẩu từ 10% xuống còn 5% và đồng ý cho vay lãi suất thấp đối với các công ty may mặc trong nước.

Nhìn một cách tổng thể, Việt Nam là nước có nhiều thế mạnh trên thị trường dệt may thế giới với chi phí lao động rẻ, tay nghề kỹ thuật cao và khả năng sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, quy mô lớn trong thời gian ngắn cũng như Nhà nước hết sức tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc. Tuy nhiên, vẫn phải đối đầu với không ít những khó khăn thách thức đến từ những đối thủ về giá cả nguyên liệu sản xuất và không phải lúc nào cũng chơi đẹp khi họ được hỗ trợ từ 50% đến 70% chi phí sản xuất. Do đó, để duy trì được lợi thế trên trường quốc tế, các doanh nghiệp dệt may và Nhà nước cần có sự liên kết, không ngừng đưa ra những biện pháp, chính sách mới và phương pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay.

Trong nỗ lực đẩy nhanh các dự án đầu tư lĩnh vực cốt lõi (sợi, dệt nhuộm, may, phân phối) theo chiến lược tăng giá trị, chủ động nguyên liệu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa xác nhận, cuối tháng 7, một trong những dự án cung ứng sợi lớn đã được đưa vào vận hành.

Sau chưa đầy một năm thi công xây dựng, Dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng đóng tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên Huế), do Vinatex làm chủ đầu tư sẽ chính thức được đưa vào vận hành. Ngay trong tháng 8/2014, mẻ sợi đầu tiên được sản xuất từ nhà máy được xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan. Như vậy, tiến độ của Dự án đã được đẩy nhanh gần 2 tháng so với dự kiến ban đầu.

Ông Trần Hữu Phong, Phó trưởng ban quản lý Dự án cho rằng, Dự án đã được đưa vào chạy thử từ cuối tháng 6/2014 và chạy chính thức vào cuối tháng 7. Dự án Nhà máy Sợi Phú Hưng có tổng mức đầu tư 258 tỷ đồng, khởi công từ tháng 8/2013, được xem là dự án mẫu về ngành sợi của Vinatex, đạt các mục tiêu về thiết kế, tiến độ, hình thức, chất lượng sản phẩm, hiệu quả vận hành nhà máy.

Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, rút ngắn thời gian đầu tư là chủ trương lớn được Vinatex triển khai mạnh trong những năm gần đây. Đơn cử, nhờ thực hiện các giải pháp chặt chẽ ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, rút ngắn tiến độ hơn 5 tháng, nên Nhà máy Sợi Phú Bài 2 (quy mô 15.000 cọc sợi) chỉ bị lỗ đúng 1 tháng, trong khi đối với các nhà máy sợi trước đây, thời gian chịu lỗ thường kéo dài 5 tháng.

Nguồn cung mặt hàng sợi, một trong những nguyên phụ liệu chính của ngành dệt may đang gia tăng nhanh chóng, do một loạt dự án đầu tư lớn vừa được đưa vào hoạt động và hơn 10 dự án khác đang được đầu tư xây dựng.

Trong khi công nghiệp dệt, nhuộm tăng trưởng với tốc độ chậm, nên không thỏa mãn nhu cầu vải và phụ liệu, khiến nhập siêu của ngành gia tăng rất mạnh. Hiện 46,3% nguyên liệu dệt may đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc (năm 2013, ngành dệt may sử dụng 7,4 tỷ m2 vải để phục vụ nhu cầu sản xuất hàng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, thì nhập khẩu đã lên tới 6 tỷ m2 vải, trong đó 3,5 tỷ m2 nhập khẩu từ Trung Quốc, sản xuất trong nước chỉ 1,4 tỷ m2).

GS.,TS. Nguyễn Mại cho rằng, ngoài việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu thay thế, giảm dần sự phụ thuộc, đầu tư trong nước là một giải pháp bền vững nhất. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải có hoạt động rầm rộ, thiết thực và náo nhiệt hơn về phát triển công nghiệp phụ trợ, thời cơ để đầu tư tổng lực./.


Theo Thông tin Tài chính số 18 kỳ 2 tháng 9/2014

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.816
Khách
: 1.143
 
Dệt may Việt Nam và thế giới: Nhìn từ năng lực cạnh tranh Rating: 5 out of 10 248807.
Core Version: 1.8.0.0