Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Ngành dệt may: 5 giải pháp bứt tốc

05/01/2021 09:21 SA
Để làm rõ hơn về kịch bản phát triển của ngành dệt may trong năm 2021, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Trong năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới nền kinh tế, đặc biệt là ngành dệt may. Xin ông cho biết một số đánh giá về năm “đặc biệt” của ngành?

Trước ảnh hưởng trầm trọng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu, ngành dệt may cũng trải qua nhiều thách thức lớn. Cụ thể, quý I/2020, ngành dệt may đối diện với nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sự ổn định của doanh nghiệp (DN) và việc làm của người lao động. Bên cạnh đó, sức mua của người tiêu dùng thay đổi quá nhanh, hàng loạt hệ thống bán lẻ, siêu thị và cửa hàng trên toàn cầu bị đóng cửa, các nhãn hàng thanh toán chậm… đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình ổn định sản xuất của DN.

Ngành dệt may: 5 giải pháp bứt tốc
Doanh nghiệp dệt may cần liên kết để phát triển bền vững

Trước những thách thức này, ngành dệt may đã đưa ra các giải pháp quyết liệt để vượt qua khó khăn. Cộng đồng DN đã xây dựng được liên kết chuỗi về đơn hàng, đảm bảo nguồn cung thiếu hụt. Bên cạnh đó, Chương trình phát triển xanh hóa của DN được quan tâm đầy đủ hơn với xu hướng phát triển bền vững, từ việc đầu tư hạ tầng các nhà máy với quy mô lớn, hiện đại hơn, quan tâm tới người lao động tốt hơn. Nhờ có sự bứt tốc, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm qua đạt kết quả ấn tượng, ở mức 35,27 tỷ USD.

Vậy, theo ông, giải pháp nào thúc đẩy ngành dệt may tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021?

Dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa thể kiểm soát, sẽ còn ảnh hưởng tiếp đến năm 2021 - 2022. Chúng tôi nhận định, nếu quý I và II/2021 có vắc-xin và toàn cầu tiêm vắc-xin vào cả năm 2021, đến cuối năm 2023, chúng ta mới có thể kiểm soát và thị trường dệt may khôi phục như năm 2019. Do đó, chúng tôi đã đưa ra 5 giải pháp:

Ngành dệt may: 5 giải pháp bứt tốc
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Một là, các DN phải thích ứng được với chuyển đổi nhanh khi biến cố thị trường sức mua toàn cầu giảm, nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam không còn chuyên môn hóa; veston, sơ mi nam, sơ mi nữ đã giảm xuống 70 - 80%. Đây là thách thức lớn đối với ngành dệt may Việt Nam, buộc DN phải thích ứng.

Hai là, các DN cần tìm hiểu tình hình thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế để tìm giải pháp phù hợp, chủ động ứng phó trong năm 2021.

Ba là, để thực hiện giải pháp vượt qua thách thức của dịch Covid-19, cần xây dựng liên kết chuỗi của ngành công nghiệp dệt may trong khu vực, đặc biệt là liên kết chuỗi với các nước trong khối cộng đồng những hiệp định thương mại mà nước ta mới ký với các nước; liên kết chuỗi nội khối trong Việt Nam và nội khối các nước ASEAN... Theo tôi, đây là vấn đề sống còn cho mục tiêu phát triển bền vững.

Bốn là, ngành dệt may Việt Nam, trong đó có vai trò của VITAS, cần đưa ra chiến lược phát triển bền vững. Đặc biệt, mô hình của các DN phải thay đổi, đáp ứng nhu cầu của nhãn hàng và người tiêu dùng toàn cầu. DN dệt may phải chú trọng các tiêu chí, chứng nhận xuất xứ và chứng nhận về đảm bảo môi trường, vấn đề tiết kiệm năng lượng, tái tạo và đặc biệt là an toàn sản phẩm.

Năm là, để thích ứng và vượt qua đại dịch Covid-19, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong ngành dệt may rất quan trọng. Trong đó, chúng ta phải xây dựng tầm nhìn về một số giải pháp tự động hóa, đặc biệt là tự động hóa cho ngành kéo sợi, ngành dệt, nhuộm và quản trị ngành may.

Với mục tiêu phát triển ổn định, bền vững cho ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023, ông có những kiến nghị gì?

Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển ổn định cho ngành dệt may trong giai đoạn tới, VITAS tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ sớm ban hành chiến lược dệt may 2030 - 2040 để từ chiến lược này, định hướng được các khu công nghiệp lớn kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt. Để chủ động nguồn cung, cộng đồng DN cần tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt chia sẻ thông tin, đơn hàng. VITAS sẽ tăng cường vai trò kết nối truyền tải thông tin, tạo dựng nền tảng để DN thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ cần liên kết với DN lớn để tạo dựng nền tảng đơn hàng ổn định.

Đặc biệt, giải pháp quyết định đến thành công của ngành dệt may Việt Nam là cơ chế, chính sách phải thực sự thông thoáng, đặc biệt là ngành hải quan, vận tải logistics. Các chính sách phát triển của Chính phủ định hướng để ngành dệt may có đóng góp ổn định cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động với mục tiêu đặt ra, ngành dệt may sẽ xuất khẩu 38 - 39 tỷ USD vào năm 2021.

Tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam phải có 30 thương hiệu lớn để xuất khẩu vào thị trường thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần hoạch định ra những nhãn hàng chiến lược để đầu tư tài chính, quảng bá thương hiệu, đầu tư chiến lược thâm nhập thị trường thế giới...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Đỗ Nga - Báo Công Thương

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.817
Khách
: 1.144
 
Ngành dệt may: 5 giải pháp bứt tốc Rating: 5 out of 10 160139.
Core Version: 1.8.0.0