|
Tương quan kim ngạch 5 nhóm hàng xuất khẩu "chục tỷ USD" tính đến 15/10 năm 2018 và 2019, đơn vị "tỷ USD". Biểu đồ: T.Bình. |
Xuất khẩu giảm mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 10 (từ ngày 1-15/10), tổng trị giá xuất khẩu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 21 tỷ USD, giảm 12,8% (tương ứng giảm 3,07 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 9/2019.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 403,05 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 30,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 thâm hụt 370 triệu USD. Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến 15/10, nước ta vẫn xuất siêu tới 6,83 tỷ USD.
Về xuất khẩu, tổng trị giá trong kỳ 1 tháng 10 đạt 10,31 tỷ USD, giảm mạnh tới 18,9% (tương ứng giảm 2,4 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 9.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 204,94 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 15,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
So với nửa cuối tháng 9/2019, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 10 biến động giảm ở một hầu hết mặt hàng chủ lực.
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện giảm 587 triệu USD; máy vi tính điện tử và linh kiện giảm 466 triệu USD; hàng dệt may giảm 341 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 167 triệu USD...
Về nhập khẩu, kỳ 1 tháng 10 đạt kim ngạch 10,68 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 674 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2019.
Hết ngày 15/10, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 198,11 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 14,85 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
So với nửa cuối tháng 9/2019, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 10 giảm ở một số mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 147 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 130 triệu USD; dầu thô giảm 116 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 98 triệu USD…
Doanh nghiệp FDI chiếm hơn 255 tỷ USD
Trong 15 ngày đầu tháng 10 nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu đạt 13,07 tỷ USD, giảm 15,2%, tương ứng giảm 2,34 tỷ USD so với nửa cuối tháng 9/2019.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10 nhóm doanh nghiệp FDI có trị giá xuất nhập khẩu 255,31 tỷ USD, tăng 4,6%, tương ứng tăng 11,3 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm tới 63,34% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 869 triệu USD trong nửa đầu tháng 10 và lũy kế đến ngày 15/10 là 25,46 tỷ USD.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 15 ngày đầu tháng 10 đạt 6,97 tỷ USD, giảm 20,5% (tương ứng giảm 1,79 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2019.
Tính đến hết ngày 15/10, tổng trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 140,38 tỷ USD, tăng 4,8% tương ứng tăng 6,37 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 68,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 10 đạt 6,1 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 550 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9/2019.
Hết ngày 15/10/2019, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 114,92 tỷ USD, tăng 4,5%, tương ứng tăng 4,93 tỷ USD, chiếm 58% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Với tổng trị giá 403,05 tỷ USD trong 9,5 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 42,43 tỷ USD.
Để cán mốc 500 tỷ USD, trong 2,5 tháng cuối của năm nay, cả nước cần đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 96,95 tỷ USD, bình quân 38,78 tỷ USD/tháng.
Nhìn vào kết quả thực hiện đã qua và mục tiêu sắp tới, mục tiêu đạt kim ngạch 500 tỷ USD của Việt Nam trong năm nay hoàn toàn khả thi.
|
Nguồn: Hải quan Online