Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

DN sắp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU

08/01/2019 04:22 CH
Từ năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh thế thế giới, Việt Nam đang tham gia rất nhiều các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà trong đó yêu cầu đầu tiên là áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Đặc biệt từ năm 2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam.

Theo các chuyên gia thương mại, cơ chế này đem lại nhiều lợi ích trong việc giảm thiểu thời gian, chi phí giao dịch, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại và giúp doanh nghiệp nắm bắt những cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA...

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu). Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu) phải tự thực hiện các thủ tục, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu sẽ tự phát hành bằng chứng về xuất xứ mà cụ thể là khai thông tin về xuất xứ trong các chứng từ thương mại (chẳng hạn như hóa đơn) mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành.

Hệ thống này đã được sử dụng ở EU hơn 40 năm nay và cho thấy những ưu điểm như: đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan.

Chính vì vậy, trong các FTA mà EU đã ký hoặc đang đàm phán đều yêu cầu phía đối tác áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, thậm chí EU còn đang xem xét áp dụng cơ chế này trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, trước khi áp dụng phía EU sẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian quá độ khoảng 6 tháng. Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp nào chưa tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đều có thể xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ các cơ quan chức năng giống như hiện nay.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi GSP. Vì vậy, việc doanh nghiệp bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ khi xuất khẩu sang EU là khá gấp gáp. Tuy nhiên, đây cũng không phải là việc quá khó khăn bởi thực tế hiện nay nếu muốn xuất khẩu sang EU doanh nghiệp vẫn phải xin C/O ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương.

Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã biết cách làm thế nào đáp ứng tiêu chí về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi GSP. Do vậy, điều khác biệt duy nhất là thay vì Bộ Công Thương hay VCCI cấp C/O thì doanh nghiệp sẽ tự cấp C/O cho chính mình bằng cách ghi một dòng lên chứng từ và hóa đơn là "sản phẩm này đạt tiêu chí để hưởng GSP".

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, việc các doanh nghiệp trở thành nhà xuất khẩu tự chứng nhận thể hiện sự tin tưởng của các cơ quan của Chính phủ khi trao quyền cho các doanh nghiệp, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các FTA.

Nhiều phương thức hỗ trợ

Đại diện phía doanh nghiệp chia sẻ, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là cơ chế rất mới đối với Việt Nam bởi hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải xin chứng nhận xuất xứ (C/O) tại một cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, không phải nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ mà phải được cấp phép bởi một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu (thường là hải quan).

Quy trình thông thường bao gồm 4 bước: nhà xuất khẩu nộp hồ sơ xin cấp phép lên cơ quan hải quan; hải quan kiểm tra hồ sơ nộp; thẩm tra tại chỗ nếu thấy cần thiết; quyết định cấp phép hoặc không cấp phép. Đặc biệt, giấy phép tự chứng nhận xuất xứ có thời hạn 5 năm, nếu nhà xuất khẩu không có vi phạm.

Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), C/O giúp xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không. Như vậy, đây là vấn đề khá quan trọng mà doanh nghiệp phải biết đến và có sự am hiểu để tận dụng.

Nhận thức được tầm quan trọng của C/O, hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, tức là trao quyền cho doanh nghiệp được tự chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của mình để được hưởng ưu đãi.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ là vấn đề kim ngạch vì phải đạt kim ngạch tối thiểu 10 triệu USD, có quá trình chấp hành tốt pháp luật, nhất là thuế, hải quan, xuất nhập khẩu; có bộ máy đủ năng lực bởi khi làm tự chứng nhận là doanh nghiệp đang tự làm thay vai trò của Nhà nước.

Vì thế, nếu doanh nghiệp không nắm bắt được vấn đề, quy định cần thiết dẫn đến chứng nhận sai thì không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quốc gia. Hơn nữa, sự thiếu tự tin của doanh nghiệp cũng là cản trở khi thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ .

Ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ không cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện tự chứng nhận hàng hóa bởi EU bắt buộc doanh nghiệp phải làm khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia họ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp qua việc tổ chức các buổi hội thảo để cung cấp thông tin về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong thời gian tới, Bộ sẽ mở các lớp đào tạo để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và khi có vấn đề xảy ra Bộ Công Thương sẽ nắm được thông tin nhằm phối hợp với EU truy xuất nguồn gốc hàng hóa và doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng Thông tư hướng dẫn doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang EU. Sau khi Thông tư được ban hành, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với VCCI, các Hiệp hội, ngành hàng có nhiều doanh nghiệp để tổ chức tập huấn và hướng dẫn nhằm giúp họ tự chứng nhận xuất xứ nhanh chóng, chính xác, không mất thời gian đi lại và chi phí như cách xin cấp C/O truyền thống.

Nguồn: baochinhphu.vn (Uyên Hương - Theo TTXVN)

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.520
Khách
: 2.149
 
DN sắp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU Rating: 5 out of 10 129581.
Core Version: 1.8.0.0