Việc tham gia CPTPP sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên. Dệt May Việt Nam là một trong những Ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Phóng viên Tạp chí Dệt May và Thời trang đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam để làm rõ vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
CPTPP có còn hấp dẫn với ngành Dệt May Việt Nam hay không khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành không tham gia thưa ông?
Dệt May Việt Nam là ngành nghề duy nhất đồng hành cùng 7 năm đàm phán hiệp định TPP (nay là CPTPP) và các doanh nghiệp hết sức vui mừng khi các nỗ lực của Ngành đã có thành quả. Mặc dù CPTPP không có thị trường Mỹ (chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017) nhưng vẫn còn những thị trường đầy tiềm năng khác như Úc, Canada. Đây là 2 thị trường có sự phát triển cao, sử dụng dệt may khá lớn với khoảng 10 tỷ USD một năm trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam còn nhỏ chỉ khoảng đến 500 triệu USD. Vì vậy, Dệt May Việt Nam vẫn nhìn thấy CPTPP có một cơ hội để mở rộng kim ngạch xuất khẩu vào 2 thị trường này để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng trên 10% của Ngành.
Trong TPP có qui tắc từ sợi trở đi, vậy trong CPTPP các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có đang thực hiện các qui tắc hay không thưa ông?
Hiện tại qui tắc từ sợi trở đi chưa được chính thức áp dụng ở các hiệp định, vì vậy xu thế của các doanh nghiệp vẫn đang coi đây là mục tiêu trong quá trình phát triển và chiến lược SXKD để nâng cao giá trị gia tăng của Ngành. Đây cũng chính là động lực để ngành Dệt May Việt Nam có cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Thưa ông, khi CPTPP chính thức có hiệu lực thì kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam dự kiến sẽ tăng như thế nào?
Trên thực tế, tổng cầu của ngành dệt may thế giới trong 5 năm gần đây là không thay đổi, các quốc gia chỉ nhập khẩu trên 700 tỷ USD hàng hóa dệt may. Trong khi đó phần lớn các quốc gia làm xuất khẩu dệt may đều có sự suy giảm. Năm 2017, hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn là Trung Quốc giảm trên 3 tỷ USD, Bangladesh cũng giảm, chỉ có Việt Nam tăng hơn 3 tỷ USD và Ấn độ tăng 1 tỷ USD. Có thể nói, cạnh tranh trong xuất khẩu dệt may luôn hết sức khốc liệt, vì thế, mức độ tăng trưởng của dệt may Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào động thái của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Ngành Dệt May Việt Nam xác định nếu không có CPTPP thì việc duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong những năm tới là hết sức khó khăn. Nếu CPTPP và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực thì dệt may Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 - 3,5 tỷ USD một năm.
Cam kết về lao động và môi trường trong CPTPP có tác động, gây sức ép lên Ngành hay không và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để đảm bảo cam kết này thưa ông?
Cam kết về lao động và môi trường trong CPTPP là nội dung không mới so với TPP trước đây. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã được nghe và chuẩn bị tinh thần cho các nội dung này ngay từ năm 2014 khi những vòng đàm phán cuối cùng của TPP đã tương đối thống nhất về mặt nội dung. Trải qua 7 năm chuẩn bị và 3 năm kể từ khi kết thúc đàm phán TPP, nhận thức, sự sẵn sàng của doanh nghiệp đối với tình hình mới là tốt hơn so với thời kỳ mới tham gia đàm phán. Thực tế, đây là những khía cạnh của rào cản phi tài chính, kỹ thuật để những doanh nghiệp Việt Nam trưởng thành hơn về mặt công nghệ, bảo vệ môi trường và qua đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Vượt qua thách thức này để đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài là đường đi tất yếu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Nếu không có cải thiện về chất lượng, năng suất lao động và công nghệ thì ngành Dệt May Việt Nam đã không thể tăng trưởng trên 10% trong khi những cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới như bangladesh (một nước có lao động rất rẻ), Trung Quốc (quy mô sản xuất lớn) lại giảm. Với sự cạnh tranh gay gắt về giá đến từng Cent thì chỉ có nơi sản xuất được những sản phẩm tốt, giá hợp lý và giao hàng đúng hẹn nhất mới có khả năng tồn tại được. Mỗi doanh nghiệp có sự chuẩn bị khác nhau nhưng kết quả duy trì tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 2012 - 2017 vừa qua đã khẳng định hướng đi và sự chuẩn bị tốt của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Năm 2018 Chính phủ giao ngành Dệt May Việt Nam tăng trưởng từ 8 - 10% vậy Ngành đã có giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu này thưa ông?
Năm 2018, ngành Dệt May Việt Nam vẫn đặt mục tiêu cao, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017 và kết quả xuất khẩu của tháng 1,2 đang tương đối thuận lợi, khớp với kế hoạch. Giải pháp cơ bản của Ngành vẫn là phải tiếp tục có được chất lượng tốt, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý nhất. Dệt may Việt Nam không đi theo hướng nhận đơn hàng giá rẻ nhất mà đi theo hướng giá hợp lý nhất với sự đòi hỏi về tay nghề và kỹ thuật cao. Giải pháp cho vấn đề này chính là đầu tư đúng công nghệ của giai đoạn hiện nay, nâng cao năng suất không chỉ thông qua tay nghề của người lao động mà còn qua hệ thống sản xuất, quản lý, tin học hóa trong quản trị và tự động hóa từng bước từng khâu trong sản xuất của ngành Dệt May Việt Nam.
Có những thách thức nào cần tháo gỡ để hỗ trợ cho xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong thời gian tới hay không thưa ông?
Là một ngành xuất khẩu có nhiều lao động, ngành dệt may cũng như các ngành khác gặp rất nhiều thách thức nếu chính sách về lao động, bảo hiểm, tiền lương không được giữ ổn định một cách lâu dài, sự thay đổi hàng năm sẽ gây áp lực lên doanh nghiệp là rất lớn. Bên cạnh đó cần tiếp tục cắt giảm được các chi phí ngoài sản xuất của doanh nghiệp như logistic, trên đường đi, hải quan, kiểm tra… Nếu làm tốt được điều này cùng với việc nâng cao năng suất, giảm chi phí thì các ngành xuất khẩu khác của cả nước nói chung và ngành Dệt May Việt Nam nói riêng đều có được lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Cùng với đó, trong 3 năm vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam rất ổn định trong khi các quốc gia xuất khẩu dệt may khác thì có xu hướng giảm giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu. Ngành Dệt May Việt Nam đang phải chịu một áp lực kép đó là áp lực tăng chi phí trong nước và áp lực đồng tiền tăng giá so với đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh khác. Giải quyết được các áp lực này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may tận dụng tốt hơn lợi thế do các hiệp định Việt Nam đã, đang tham gia. Ngành Dệt May Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế cả nước, giải quyết cho khoảng hơn 2,7 triệu việc làm và trả lương cho người lao động đưa vào nền kinh tế với quy mô rất lớn. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ người lao động trong Ngành.
(Nguồn: Vinatex)