May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty may Hải Anh, thôn Bá Đông, xã Bình Minh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Thông tư 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã được bãi bỏ mới đây.
Điều này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp dệt may trong kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Sau khi bãi bỏ Thông tư 37, mới đây, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Mặc dù Hiệp hội đang chờ ý kiến từ phía các doanh nghiệp dệt may về dự thảo thông tư này, nhưng Hiệp hội Dệt may cho rằng, trong Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa không quy định ban hành về quy chuẩn của sản phẩm dệt may nhưng Thông tư của Bộ Công Thương đưa quy chuẩn hàng dệt may vào thì sẽ quản lý chặt về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Cẩm bày tỏ: “Tôi cho rằng, việc phát hiện sai phạm về quy chuẩn tại các doanh nghiệp dệt may uy tín rất ít mà chủ yếu sai phạm là hàng trôi nổi, hàng nhập lậu mà chúng ta khó kiểm tra được. Nếu Thông tư ban hành ra mà không quản lý, kiểm soát được thì cũng khó có thể giải quyết được vấn đề gì. Trong khi đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa lại không quy định.”
Theo ông Cẩm, nếu Thông tư được ban hành thì doanh nghiệp sẽ phải công bố hợp chuẩn, hợp quy và phải đăng ký qua các Sở Công Thương của các địa phương.
Hiệp hội Dệt may không đồng tình với việc này vì từ khi doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký đến lúc công bố hợp chuẩn, hợp quy thường là 3 ngày. Các doanh nghiệp cho rằng như vậy là mất thời gian, tốn chi phí cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa.
“Nếu ban hành quy định này thì cần kiến nghị trình Quốc hội sửa đổi Luật Chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Ngoài ra, các đơn vị của Bộ ủy quyền để kiểm tra hàm lượng formaldehyt đều do Bộ Công Thương chỉ định thì tại sao phải thông qua một đơn vị công bố hợp chuẩn hợp quy nữa. Tôi cho rằng không cần thiết.”, ông Trương Văn Cẩm bày tỏ.
Theo Bộ Công Thương sản phẩm dệt may là một trong các sản phẩm thiết yếu hàng ngày, vì vậy việc đảm bảo chất lượng sản phẩm dệt may, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam là trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội; trong đó, có các cơ quan quản lý Nhà nước.
Để thực hiện trách nhiệm này, Bộ Công Thương xây dựng Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định mức giới hạn về hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Công Thương đã đề nghị các đơn vị đóng góp ý kiến đối với dự thảo Thông tư, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Văn bản đóng góp ý kiến gửi về Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trước ngày 28/2/2017.
Dự thảo nêu rõ phạm vi điều chỉnh áp dụng đối với các sản phẩm dệt may được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Trong đó, sản phẩm dệt may được chia làm 3 nhóm gồm: Sản phẩm dệt may dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
Đối với nhóm này, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt tối đa 30 mg/kg. Ngoài ra, còn có nhóm sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da là sản phẩm khi sử dụng có bề mặt sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da của người sử dụng. Đối với nhóm này, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt tối đa 75mg/kg.
Cuối cùng là nhóm sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da - là sản phẩm khi sử dụng có bề mặt sản phẩm không tiếp xúc trực tiếp với da người sử dụng. Đối với nhóm này, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt tối đa 300 mg/kg.
Cũng theo dự thảo, mức giới hạn về hàm lượng các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg. Ngoài ra, dự thảo đưa ra danh mục các sản phẩm dệt may phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may; trong đó có một số sản phẩm như: vải dệt thoi dệt từ tơ tằm hoặc từ phế liệu tơ tằm; vải dệt thoi từ sợi len lông cừu chải thô hoặc sợi từ lông động vật loại mịn chải thô; vải dệt từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên trọng lượng không quá 200g/m2; vải dệt từ xơ tổng hợp, xơ tái tạo, sợi lanh, sợi bông.
Nguồn: TTXVN/Tin Tức