Đến dự Lễ khởi công có ông Ngô Gia Tự, UVBTV Đảng ủy - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định; lãnh đạo các sở, ban ngành Tp Nam Định; ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam; ông Lê Tiến Trường, TV HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex); ông Phạm Duy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Vinatex - Chủ tịch HĐQT VNDC; ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc VNDC; lãnh đạo trong Cơ quan điều hành, Trưởng, Phó các Ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị thành viên thuộc Vinatex.
Dự án Khu đô thị Dệt may Nam Định có quy mô 24,8ha với tổng mức đầu tư trên 410 tỷ đồng được thực hiện trong khoảng 5 năm. Trong đó, giai đoạn I (khoảng 2 năm) sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ khu công viên, bãi đỗ xe với tổng mức đầu tư dự kiến là 130,9 tỷ đồng. Giai đoạn II, tiến hành di dời các Nhà máy Dệt, Dệt khăn với tổng diện tích 5,9ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở, 1 nhà văn hóa và trường học quy mô 27 lớp học với tổng mức đầu tư 130,1 tỷ đồng. Giai đoạn III, di dời xong toàn bộ phần còn lại gồm Nhà máy May 4, Nhà máy Sợi, Nhà máy Chỉ khâu, Văn phòng Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (Natexco) với tổng diện tích 10,5ha, tiến hành đầu tư các hạng mục công trình còn lại theo thiết kế với tổng giá trị đầu tư dự kiến 151,9 tỷ đồng. Dự án Khu đô thị Dệt May Nam Định sau khi hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất đô thị sạch với 936 lô đất ở biệt thự, liền kề; 20.076m2 công viên cây xanh và thể dục thể thao, 16.314m2 đất thương mại dịch vụ và 34.748m2 đất giáo dục, y tế, với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và với tiêu chí môi trường sống xanh, sạch, văn minh, là một đô thị mới trong lòng đô thị cổ Thành Nam theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Ngô Gia Tự cho biết, Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định tiền thân của Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định là biểu tượng tự hào một thời của Tp Nam Định chính vì vậy Nam Định còn được gọi là thành phố Dệt. Lịch sử xây dựng, phát triển của Nhà máy Dệt gắn với thời kỳ kháng chiến cứu nước của dân tộc và những trang sử hào hùng của Tp Nam Định. Những thăng trầm của Nhà máy Dệt từng làm ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định. Với mục tiêu xây dựng Tp Nam Định xanh - sạnh - đẹp thì các nhà máy của Natexco trong Tp Nam Định phải di dời vì nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Để thực hiện việc di dời, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý cho Vinatex khai thác quỹ đất tại chỗ của Natexco để tạo nguồn vốn di dời và giao cho VNDC làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Đô thị Dệt May Nam Định. Khi hoàn thành dự án sẽ tạo ra một đô thị trong trung tâm thành phố với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, môi trường xanh sạch đẹp, phù hợp với kiến trúc cảnh quan của thành phố đô thị loại I. Lãnh đạo tỉnh Nam Định biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, CBCNV VNDC trong việc chuẩn bị các điều kiện cho lễ khởi công hôm nay. Để Dự án triển khai thực hiện đúng tiến độ, an toàn và hiệu quả thì Viantex cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Natexco sớm hoàn thành di dời nhà máy, các cơ sở sản xuất sang Khu hòa Xá bàn giao toàn bộ mặt bằng xây dựng khu đô thị. VNDC cần phát huy tối đa các nguồn lực, chỉ đạo nhà thầu thi công để đầu tư hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã đề ra, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật để đưa dự án vào khai thác sử dụng. Các sở, ngành, UBND Tp. Nam Định và các đơn vị có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi để Dự án thực hiện đúng tiến độ đã được duyệt.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, Dự án xây dựng khu đô thị mới trong lòng Tp Nam Định đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại I phù hợp với quy hoạch của tỉnh, của Tp Nam Định. Tuy nhiên đây là Dự án đặc thù xây dựng đô thị tạo nguồn vốn để di dời Natexco vì vậy phải đạt được cả 2 yếu tố: Có một khu đô thị hiệu quả, đẹp trong lòng Tp đóng góp vào sự phát triển KTXH của tỉnh nhưng phải đảm bảo việc di dời và xây dựng của Natexco tại khu vực mới có qui mô sản xuất lớn hơn. Đặc biệt, trong suốt quá trình di dời vẫn phải đảm bảo đời sống việc làm cho hơn 4 nghìn NLĐ tại Tổng Công ty. Đây là bài toán hết sức khó khăn đối với Vinatex, Natexco và chủ đầu tư phát triển Dự án là VNDC. Từ năm 2016, Natexco đã hoàn toàn không còn nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp bị ô nhiễm khi toàn bộ khu vực sản xuất nhuộm, dệt mới đã được hình thành ở KCN Hòa Xá. Lĩnh vực Dệt - May - Sợi vẫn được duy trì trong Tp 3 đến 4 năm nữa vừa để đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ và tích lũy tài chính cho Tổng Công ty trước khi chuyển ra khu vực mới một cách hoàn chỉnh cả về công nghệ và kỹ thuật. Bước đi của Natexco và VNDC dưới sự chỉ đạo của Vinatex trong thời gian qua đã đúng hướng, đang giữ được cả quy hoạch về đô thị lẫn việc làm và đời sống của NLĐ tại Nam Định. Cả 2 yếu tố này đều quan trọng như nhau trong quá trình xây dựng và phát triển.
Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu lãnh đạo Natexco và VNDC cần tập trung xây dựng dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng đúng như cam kết với UBND tỉnh và đặc biệt với các khách hàng là người dân của tỉnh Nam Định. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng phải đảm bảo trật tự an toàn không gây ảnh hưởng đến hoạt động của người dân trong Tp. VNDC phải tiếp tục có sự hỗ trợ tài chính kịp thời để Natexco tiếp tục hoàn tất các khu vực cần di dời ra khu Hòa Xá để giai đoạn II của Dự án được tiến hành hợp lí và nhanh nhất. Mặc dù mới động thổ xây dựng nhưng VNDC phải suy nghĩ, tìm hiểu và chuẩn bị cho quá trình quản lí đô thị sau này để đảm bảo khi đô thị hình thành sẽ trở thành 1 khu đô thị văn minh tạo ra một hình ảnh đẹp trong lòng Tp Nam Định. Lãnh đạo Vinatex cám ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tp Nam Định và các sở, ban ngành để Dự án có thể khởi công xây dựng. Xin chúc mừng toàn thể CBCNV, các đối tác của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dệt May Nam Định và Natexco có một dự án thành công góp phần làm đẹp thành phố và đóng góp tài chính cho Natexco di dời thắng lợi và giữ được truyền thống với qui mô lớn hơn, trình độ công nghệ hiện đại hơn và đời sống NLĐ ngày càng tốt hơn.
Nguồn: Xuân Quý/Vinatex.com