TS Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi: Đột phá về thể chế nghĩa là gì? Tại sao lại khó đến thế dù chúng ta đều đồng thuận đó là cái cần phải làm?
Hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Ảnh: Internet.
“Chúng ta cứ nói mà không hành động được”
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế”, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Chúng ta đang trong một thể chế kinh tế mà sự vận động các nguồn lực rất bất thường. Vốn chảy vào khu vực hiệu quả thấp. Lao động chảy vào khu vực năng suất thấp. Vốn đang bị khu vực kinh tế Nhà nước thu hút nhiều, trong khi đây lại là khu vực hiệu quả thấp. Ở nước ta, nhiều chỗ không có giá trị gia tăng nhưng thu nhập rất cao. Người ta không chú ý đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Rõ ràng đó là sự phân bố nguồn lực rất sai lệch, méo mó.
Đây không phải lần đầu tiên ông Cung đề cập đến bất cập trên. Tại nhiều diễn đàn trước đó, ông Nguyễn Đình Cung đã từng nhắc đi nhắc lại nghịch lí này.
“Chúng ta nói cải cách thể chế là đúng, nhưng thế nào là cải cách thể chế thì không ai bàn, đột phá về thể chế nghĩa là gì cũng không bàn. Cho nên chúng ta cứ nói mà không hành động được”- ông Cung từng bộc bạch tại một hội thảo về bẫy thu nhập trung bình.
Vì thế, theo Viện trưởng CIEM, Nhà nước phải dám tạo ra thể chế mà ở đó thị trường hình thành và vận hành tốt.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Vấn đề đổi mới thể chế kinh tế đặt ra từ nhiều năm và hiện nay được xem như “một đột phá chiến lược” nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Vấn đề ở chỗ là thiếu cách nhìn hệ thống trong mô hình công nghiệp hoá đất nước của Việt Nam; thiếu một triết lí phát triển rõ ràng để là cơ sở cho việc định hình hệ thống thể chế phù hợp, mà hệ quả thấy rõ nhất là tuổi thọ luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế rất ngắn ngủi.
Trong tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân, TS Võ Đại Lược, Trung tâm nghiên cứu châu Á- Thái Bình Dương đánh giá: Xét cho cùng thể chế xã hội có vai trò quyết định sự phát triển của mọi quốc gia. Sự khác biệt về trình độ phát triển trước hết là sự khác biệt về thể chế. Sự đổi mới tư duy, quan điểm phát triển rút cục phải chuyển thành sự đổi mới về thể chế mới có ý nghĩa thực tế. Có thể có những cách hiểu khác nhau về thể chế, nhưng có những điểm chung đó là: Hệ thống luật pháp, bộ máy quản trị nhà nước, phương thức quản trị điều hành của Nhà nước.
Cơ hội lớn cho cải cách thể chế
Trong tham luận gửi Diễn đàn, TS Võ Đại Lược cũng cảnh báo: “Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng thách thức lớn nhất, phức tạp nhất chính là thách thức về sự bất cập của tư duy phát triển, của hệ quan điểm phát triển, của thể chế. Nếu không giải quyết vấn đề này một cách phù hợp, đảm bảo Việt Nam phải tiến cùng thời đại về cả tư duy và hành động, thì nguy cơ tụt hậu xa hơn là điều khó tránh khỏi”.
TS Trần Du Lịch cho rằng: Cải cách thể chế, có bước đi phù hợp, nhưng phải đặt trong mối quan hệ hệ thống, việc làm trước phải mở đường cho việc làm sau, chứ không tạo ra xung đột pháp lí và mâu thuẫn chính sách. Vấn đề ưu tiên và bức xúc hiện nay trong cải cách thể chế là “cải cách triệt để tài chính công và hành chính công”. Nếu không làm triệt để vấn đề này, thì mọi cải cải cách khác đều không mang lại hiệu quả. Trên cơ sở Hiến pháp hiện hành, hoàn toàn có thể tiến hành cải cách triệt để hai lĩnh vực cốt tử nêu trên.
Theo quyền Viện trưởng CIEM, hiện nay chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn để cải cách thể chế. Đó là Hiến pháp đã thay đổi, có hàng loạt luật đang được xây dựng, trong đó có những luật rất quan trọng như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công... đây là những luật rất căn bản để tạo ra thể chế kinh tế thị trường. “Tôi đề nghị làm những luật này thật thị trường” – ông Cung nhấn mạnh.
Nguồn baohaiquan.vn