Cùng với việc Hạ viện Mỹ đã thông qua trước đó, dự luật mới Quyền Xúc tiến Thương mại ( Trade Promotion Authority – TPA) sẽ được đặt lên bàn chờ chữ ký của ông Obama, đánh dấu một thắng lợi chính sách hiếm hoi trong nhiệm kỳ II của vị Tổng thống Mỹ.
Điều kiện tiên quyết
Với tỷ lệ 60 phiếu thuận - 37 phiếu chống, TPA với quyền đàm phán nhanh (fast-track) sẽ cho phép ông Obama đưa TPP ra Quốc hội bỏ phiếu mà ở đó Quốc hội Mỹ chỉ có thể quyết định phê chuẩn hoặc bác bỏ chứ không thể yêu cầu đàm phán lại hay sửa đổi bất kỳ nội dung nào trong Hiệp định.
Đây là một mấu chốt rất quan trọng mang tính quyết định tới tiến độ kết thúc đàm phán hiệp định thương mại giữa 12 quốc gia Thái Bình Dương trong bối cảnh những nước như Nhật Bản và Australia từ chối nhiều đề xuất đánh đổi cho đến khi biết chắc rằng Quốc hội Mỹ không thể can thiệp vào những gì mà các bên đã nhất trí trên bàn đàm phán.
Không dừng lại ở đó, TPA cũng sẽ giúp ích đáng kể cho ông Obama và người kế nhiệm trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương với EU (TTIP) đang dang dở.
Hiệp định TPP sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế Mỹ
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư không phải là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ thông qua TPA. Hồi tháng 5, Thượng viện nước này đã phê chuẩn một gói hỗn hợp gồm TPA và một dự thảo mở rộng dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (Trade Adjustment Assistance - TAA) liên quan đến các chương trình hỗ trợ người lao động mất việc làm do môi trường cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, gói hỗn hợp này lại không qua được "cửa" Hạ viện, khi thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện không đồng ý với TAA, vì cho rằng dự luật này sẽ gây lãng phí ngân sách, trong khi ở phía bên kia "chiến tuyến", nhiều đảng Dân chủ lắc đầu trước TPP vì lợi bất cập hại.
Chính vì vậy, gói hỗn hợp buộc phải tách ra để bỏ phiếu riêng lẻ cho từng dự luật. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua TPA và chuyển lại cho Thượng viện. Tại đây, các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã phải hứa với thành viên đảng Dân chủ Thượng viện rằng nếu họ ủng hộ TPA, dự luật TAA sẽ được xúc tiến bỏ phiếu sớm.
Đường dài lắm chông gai
Những người phản đối Hiệp định TPP cho rằng TPA sẽ "trói chân trói tay" giới lập pháp nước này, vì họ không thể tham gia góp ý sửa đổi nội dung Hiệp định nhằm đạt được những thỏa thuận có lợi nhất. Theo Thượng nghị sĩ Sherrod Brown, "đã có quá nhiều lời hứa hẹn đao to búa lớn nhưng kết quả thì tồi tệ, hết vấn đề này đến vấn đề khác". Trong khi đó, những người ủng hộ TPP lại tin tưởng Hiệp định này sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế Mỹ nhờ mở ra cánh cửa tiếp cận 11 quốc gia khác - từ Canada, Chile cho tới Australia, Nhật Bản, Việt Nam - hiện chiếm tổng cộng 40% GDP toàn cầu.
"Đây có lẽ là dự luật quan trọng nhất mà Thượng viện thông qua trong năm nay", Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, ông Orrin Hatch, hồ hởi: "Nó sẽ giúp tái khẳng định vai trò của Quốc hội Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại và xác lập lại vị thế quan trọng của Mỹ trong thương mại quốc tế".
Còn theo Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, ông Thomas Donohue, việc tăng thêm quyền cho Tổng thống bằng TPA thể hiện "Quốc hội Mỹ đã ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm" để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo.
Có thể nói TPA được thông qua chưa thể kết thúc những tranh luận trong lòng nước Mỹ xung quanh Hiệp định TPP mà Tổng thống Obama theo đuổi bấy lâu nay. TPA giúp ông Obama tiết kiệm nhiều thời gian cho TPP và được bảo đảm Quốc hội sẽ sớm bỏ phiếu, nhưng Quốc hội có bỏ phiếu thuận hay không thì chưa có gì đảm bảo chắc chắn.
Rạng sáng ngày 25/6 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ cũng tiếp tục bỏ phiếu thông qua TAA với tỷ lệ 76 phiếu thuận - 22 phiếu chống, nhất trí gia hạn chương trình hỗ trợ này thêm 6 năm nữa như một phần trong dự luật mở rộng ưu đãi thương mại cho các quốc gia châu Phi khu vực tiểu Sahara. Hạ viện Mỹ phát đi tín hiệu sẽ ủng hộ, mặc dù từng bác bỏ cách đây 2 tuần.
(Theo thời báo kinh doanh)