Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS đã trao đổi về tình hình ngành dệt may Việt Nam và nhu cầu về chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp. Theo bà Mai, giải pháp từ tự động hóa đến sản xuất thông minh là một trong những giải pháp mang tính chất quyết định. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, tạo sự kết nối giữa các bộ phận, tăng tốc độ ra thị trường và mở rộng khả năng thu hút & giữ khách hàng. Tuy nhiên, đến nay việc đưa công nghệ số vào quản lý sản xuất trong ngành may vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS phát biểu
Bà Mai nêu những thách thức đối với ngành dệt may. Đó là, đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các chi phí tăng, nguồn lao động giảm, đòi hỏi cao về truy xuất nguồn gốc theo các quy tắc xuất xứ và những thách thức về phát triển bền vững. Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), giống như kiềng 3 chân. Bà Mai nhấn mạnh định hướng phát triển là xây dựng thương hiệu bền vững cho ngành dệt may Việt nam. Quá trình này bao gồm 5 gói giải pháp chính: nguồn nhân lực chất lượng cao - thị trường vốn - chuyển đổi số - chỉ số Higg - và các KCN dệt may sinh thái.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia Juki đã giới thiệu về Hệ thống IoT JaNets và Mô-đun QC. Đây là những ứng dụng công nghệ số được Tập đoàn Juki phát triển để ứng dụng trong ngành may. Hệ thống này sẽ giúp các nhà quản lý theo dõi báo cáo toàn bộ các khâu của hoạt động sản xuất để từ đó đưa ra các quyết định xử lý các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng trong việc cân bằng chuyền, cung ứng bán thành phẩm đúng thời điểm, đúng địa điểm, kịp thời phát hiện tình trạng lỗi của từng sản phẩm, giảm thời gian chu kỳ sản xuất. Sự kết hợp của hệ thống IoT JaNets và hệ thống chuyền treo cùng với các thiết bị tự động và tự động hóa sẽ cải thiện năng suất đáng kể. Với mô-đun QC, hệ thống IoT có thể kiểm tra tình trạng lỗi trong từng sản phẩm may theo thời gian thực.
Các diễn giả giải đáp câu hỏi của doanh nghiệp
Các đại biểu và diễn giả đã cùng nhau chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi tại các đơn vị, trao đổi kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp khi sử dụng các giải pháp của JUKI. Đại diện các doanh nghiệp cũng thống nhất rằng, những ứng dụng công nghệ số này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp may xây dựng tầm nhìn, chiến lược đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình; để vừa giải được bài toán sử dụng ít lao động hơn nhưng vẫn đảm bảo năng lực sản xuất tối ưu của công ty, vừa thích ứng được với yêu cầu đa dạng của các nhãn hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp mang tính chất quyết định. Doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị mình, đồng thời phải có giải pháp đào tạo đội ngũ nhân sự để đảm bảo chuyển đổi số thành công.
Một số hình ảnh:
Bài và ảnh: Nguyễn Bình – VITAS