Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2022 giảm tới 14,3% so với tháng 8/2022. Đáng chú ý, sự sụt giảm tập trung vào một số ngành xuất khẩu chủ lực, trong đó có dệt may. Ông chia sẻ như thế nào về điều này?
Với ngành dệt may Việt Nam, tình hình xuất khẩu trong tháng 9 cũng không ngoại lệ so với bối cảnh chung. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 4 tỷ USD, giảm 11,7% so với tháng 8. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm (9 tháng) kim ngạch của ngành đạt khá cao, khoảng 35 tỷ USD. Mức tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, nhiều thị trường tăng khá cao như Mỹ, EU.
Nhưng sang đến tháng 9 và quý 4/2022, ngành gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đơn giá sụt giảm. Nhiều khách hàng đặt hàng tại doanh nghiệp đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%.
Theo khảo sát của Hiệp hội, những doanh nghiệp có khách hàng truyền thống thì có đơn hàng sản xuất đến hết năm, thậm chí đến đầu năm 2023. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện thiếu đơn hàng. Tại thị trường Mỹ, chúng tôi đã nhìn thấy sự sụt giảm ngay tháng 8 (giảm 3%), còn thị trường EU giảm 3,2%, sang tháng 9 tiếp tục đà sụt giảm. Tình hình này có khả năng kéo dài đến quý 1/2023.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng sụt giảm xuất khẩu của ngành dệt may?
Tôi cho rằng vấn đề này không chỉ riêng với dệt may mà là tình hình chung. Bởi hiện nhiều thị trường như Mỹ, EU lạm phát rất cao, mức lạm phát lên tới 6-7%, có thời điểm có nước tỷ lệ lạm phát lên tới 9-10%. Điều này đã ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân, mức độ tăng trưởng kinh tế không đạt như kỳ vọng. Hai năm dịch bệnh (2020 -2021) đã tác động lớn đến thu nhập của người dân.
Ngoài ra, từ đầu năm tới nay, nhất là sau dịch bệnh kéo dài, khách hàng đặt lượng hàng rất lớn nhất là từ quý 4/2021 đến giữa năm, thậm chí hết tháng 7/2022. Lượng hàng lớn lại gặp kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao… nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, tồn kho tăng lên, hiện chiếm 20-25%. Vì vậy, trong quý 4/2022 và quý 1/2023 doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine chưa có điểm dừng. Những doanh nghiệp ký đơn hàng xuất khẩu vào khu vực này và những thị trường liên quan cũng chịu tác động (như Mỹ, EU).
Vậy, đâu là thách thức với doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới, thưa ông?
Thách thức rõ nhất là thiếu đơn hàng và đơn giá giảm. Trong bối cảnh đơn giá giảm như hiện nay, khách hàng có thể lợi dụng ký đơn hàng lâu dài, số lượng lớn. Nếu doanh nghiệp không tính toán kỹ mà ký ngay với giá thấp thì sau này sẽ thiệt khi thị trường trở lại bình thường.
Tôi cho rằng tình hình này không kéo dài mãi mà có thể mang tính tình thế trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ ấm lên trong thời gian tới. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không tính toán cẩn thận sẽ bị thua thiệt.
Thêm nữa, Mỹ và EU là hai thị trường lớn. Tuy nhiên, hiện EU đưa ra chiến lược mới về dệt may nhằm xanh hóa chuỗi cung ứng cũng như truy xuất nguồn gốc. Sắp tới, sản phẩm dệt may có thể tái chế, sử dụng lâu dài, thay thời trang nhanh bằng thời trang bền vững… Thậm chí, EU yêu cầu ngay từ khâu thiết kế đã phải có một tỷ lệ tái sử dụng được, sản xuất phải sạch, không gây ô nhiễm môi trường, tiêu dùng với tuổi thọ cao hơn…
Còn với thị trường Mỹ, nước này đưa ra đạo luật cấm lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Trung Quốc, có hiệu lực vào ngày 21/6/2022. Các hàng hóa này chỉ có thể nhập vào Mỹ nếu các công ty chứng minh được không có “lao động cưỡng bức”.
Những sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ có sử dụng bông Tân Cương sẽ bị truy soát, cấm xuất khẩu, thậm chí là tịch thu. Như vậy, doanh nghiệp không phối hợp cùng khách hàng trong sử dụng nguồn nguyên liệu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành dệt may, nhất là về vận chuyển, nguyên liệu. Chúng ta có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng cả chất và lượng. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga chiếm 90-95% trong khu vực, tuy nhiên từ khi xung đột xảy ra đến giờ, hàng dệt may Việt Nam vào nước này đang âm 40-42% so với năm trước. Hơn nữa, các nước tập trung trừng phạt Nga, biện pháp phản pháo của Nga như ngừng cung cấp dầu… cũng ảnh hưởng tới ngành.
Như vậy, liệu mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2022 là 43-44 tỷ USD liệu có đạt được?
Nhìn vào tình hình quý 4 rất khó khăn, tuy nhiên 9 tháng xuất khẩu ngành dệt may ước tăng 21%, đạt trên 35 tỷ USD. Tính bình quân đạt 3,8-3,9 tỷ USD/tháng, nếu tình hình xấu diễn ra như hiện nay thì mỗi tháng ngành dệt may cũng có thể xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD/tháng. Như vậy đến cuối năm chúng ta vẫn có thể đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm, thậm chí tình hình cải thiện có thể đạt cao hơn.
Ông có thể đưa ra kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2023?
Khó khăn trong quý 4/2022 được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023. Chúng tôi hy vọng chỉ kéo dài sang đến quý 1/2023, từ quý 2 sẽ trở lại bình thường. Nếu chiều hướng thuận lợi hơn, chúng tôi đặt mục tiêu cho năm 2023 khoảng 47-48 tỷ USD. So ra với năm 2022 tăng khoảng 8%. Nếu tình hình khó khăn kéo dài đến giữa năm, mục tiêu đặt ra 46 tỷ USD.
Để vượt qua những khó khăn trên, theo ông, doanh nghiệp cần bước đi như thế nào?
Trước hết, doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, lựa chọn đơn hàng phù hợp, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động trong thời gian trước mắt, không nên quá lo lắng ký đơn hàng dài hơi với giá thấp.
Trong điều kiện hiện nay, có nhiều giải pháp doanh nghiệp phải làm như cho người lao động nghỉ phép, giảm giờ làm thêm, đào tạo người lao động- điều này đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời gian tới phải đáp ứng các điều kiện về xanh hóa, phát triển bền vững… nên rất cần lao động có trình độ cao.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tận dụng thời gian này để triển khai các chương trình theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như xanh hóa, số hóa, bởi đây là xu hướng tất yếu cần sớm được triển khai.
Mặt khác, liên kết với nhau để chia sẻ đơn hàng, vừa giữ chân khách hàng vừa đảm bảo mục tiêu cho ngành; giao lưu học hỏi kinh nghiệm tạo ra sự liên kết chuỗi cung ứng trong nước.
Làm việc với khách hàng để chia sẻ trong thời gian khó khăn, xây dựng mối quan hệ lâu dài, tin cậy với khách hàng.
Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, về lâu dài sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng rất quan trọng. Nhà nước cần chung tay hỗ trợ cho ngành. Ví dụ, nói đến phát triển vải liên quan đến dệt và nhuộm hoàn tất thì rất nhiều địa phương quay lưng, không muốn cấp phép đầu tư do lo ngại ô nhiễm môi trường. Nhưng chúng ta cần hiểu, công nghệ xử lý môi trường hiện nay đã rất phát triển, có thể tái sử dụng nước với giá thấp hơn 10-15% so với nhà nước hoặc địa phương cấp.
Cùng với đó, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nhân lực cho khâu thiết kế, dệt, nhuộm, nếu không có nhân lực này rất khó cho phát triển của ngành. Vừa qua nhiều doanh nghiệp dệt, nhuộm xây dựng nhà máy đi vào hoạt động nhưng hiệu quả chưa như mong muốn, bởi có nhiều yếu tố trong đó nhân lực yếu là yếu tố đáng bàn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Xác định không gian phát triển cho ngành để có thể xây dựng khu công nghiệp dệt may lớn có khu xử lý nước thải và đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu cho may xuất khẩu.
Đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh, Quốc hội đã phê duyệt gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng nhưng triển khai gói hỗ trợ này còn chậm. Doanh nghiệp rất muốn gói hỗ trợ được triển khai sớm để doanh nghiệp được hưởng có điều kiện phát triển tăng xuất khẩu, tăng thu nhập cho người lao động.
Theo: VnEconomy