Từ đầu năm đến nay Nhà nước đã ban hành một số chế độ chính sách trong lĩnh vực lao động tiền lương liên quan trực tiếp đến người sử dụng lao động và người lao động
Ngày 12 tháng 01 năm 2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. Trong đó có các nội dung về Hợp đồng lao động; Thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể; Tiền lương (ví dụ: đối với người lao động hưởng lương tháng nếu người sử dụng lao động chậm trả tiền lương từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương…); Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; Giải quyết tranh chấp lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2015.
Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 02 năm 2015 hướng dẫn chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ví dụ: mức bồi thường đối với người lao động bị suy giảm từ 5 – 10% khả năng lao động ít nhất là 1,5 tháng tiền lương và mức trợ cấp ít nhất là 0,6 tháng tiền lương, đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% đến tử vong do tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức bồi thường tối thiểu 30 tháng tiền lương và mức trợ cấp tối thiểu là 12 tháng tiền lương. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2015.
Ngày 02 tháng 02 năm 2015 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ. Theo đó, các đối tượng trong diện được hưởng sẽ được tăng thêm 8% mức lương hưu hoặc trợ cấp xã hội. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2015. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2015.