Sáng 9/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp phiên đầu tiên để bàn về tiền lương tối thiểu vùng năm 2024.
Sau khi phân tích và lắng nghe ý kiến, có tới 14/15 số phiếu hội đồng đồng ý thống nhất tạm thời chưa xem xét khuyến nghị phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2024. Thay vào đó, tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động để đến khoảng cuối quý IV/2023 sẽ xem xét cụ thể phương án điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Trao đổi tại phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cập nhật tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn đã và đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm vào suy yếu. Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại Việt Nam, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm so với cùng kỳ 2022 như: dệt may, linh kiện điện tử, tôn thép các loại, dăm gỗ, tinh bột sắn; xơ sợi dệt các loại, bột đá,...
Đặc biệt, bên cạnh việc tuyển mới lao động, tình trạng công nhân nghỉ việc vẫn diễn ra, số người lao động nghỉ việc nhiều hơn hoặc gần bằng số lao động các công ty tuyển mới, tình trạng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI có số lao động biến động hàng tháng.
Nguyên nhân dẫn đến việc người lao động bị cắt giảm giờ làm là do các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số đơn vị, doanh nghiệp không nhập được nguyên, vật liệu nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, thậm chí, nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, trong khi hàng sản xuất ra tồn kho nhiều...
Đối với ngành dệt may, kết quả sản xuất kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2023 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,8 tỷ USD, giảm 16.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài sang ửa đầu 2024 do nhiều doanh nghiệp chưa có đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may còn phải nhận cả đơn hàng không phải thế mạnh.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn và khó đoán định trên, VITAS thống nhất theo phương án của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia. Đó là chưa xem xét, quyết định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng trong năm 2024. Thay vào đó tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, để đến cuối quý 4 năm 2023 sẽ xem xét cụ thể phương án điều chỉnh cho phù hợp. Theo VITAS, trong thời điểm hiện tại, giữ việc làm ổn định cho người lao động quan trọng hơn nhiều so với việc tăng lương tối thiểu cho một bộ phận người lao động (khoảng 10%), nhưng khi doanh nghiệp gặp thêm khó khăn do phải tăng các khoản trích nộp có thể sẽ có thêm hàng ngàn người mất việc làm.