Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Hai, 11/11/2024

Đăng ký nhận tin

Cuộc đua tới Net Zero - đường không bằng phẳng

05/09/2022 08:53 SA
Tại Hội nghị COP26 tháng 11.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ đạt Net Zero vào năm 2050. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới tăng trưởng xanh từ khá sớm, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng, song để cụ thể hóa cam kết này vẫn còn nhiều thách thức.

Những bước đi đầu tiên

Năm 2021, Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) đầu tư hơn 31 tỷ đồng để đổi mới thiết bị, chuyển 100% hệ thống dùng lò hơi than sang nồi điện nhằm giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm khí thải. Doanh nghiệp cũng lắp đặt hệ thống điều hòa tại các xưởng may nhằm tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân. Nhờ đó, Hugaco có lượng đơn hàng dồi dào, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.

Sự chuyển dịch sang hướng xanh hóa của Hugaco không còn là cá biệt trong ngành dệt may. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, hiện có trên 50% doanh nghiệp đã tham gia chương trình xanh hóa ngành dệt may do VITAS khởi xướng từ năm 2018. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cơ sở, hạ tầng môi trường (cây xanh, cảnh quan, hệ thống máy lạnh…), sử dụng  năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời). “Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có quy định về cam kết bảo vệ môi trường, phát thải carbon thấp, chương trình xanh hóa ngành dệt may là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh hóa là lợi thế để nhận đơn hàng tốt hơn”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang phát biểu.

Tăng trưởng xanh không chỉ là câu chuyện riêng của ngành dệt may! Công ty TNHH Thắng Lợi (Nam Định) chuyên về sản xuất thép hợp kim, có sản lượng xuất khẩu chiếm tới 40% tổng sản lượng. Đặc thù của ngành công nghiệp đúc thường sử dụng loại lò nhiệt luyện đơn, nhiệt luyện theo mẻ có sản lượng ít, tiêu tốn điện năng, cần nhiều lao động nhưng chất lượng sản phẩm không đồng đều. Hơn hai năm trước, công ty đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp mới - dây chuyền nhiệt luyện liên tục kết hợp internet vạn vật (IoT). Nhờ đó, công ty đã tiết kiệm gần 40% điện năng so với trước, ổn định chất lượng sản phẩm, qua đó giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.

Những nỗ lực xanh hóa sản xuất từ việc đổi mới công nghệ, tiết giảm năng lượng hóa thạch, chú trọng công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đã và đang cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam. Thực tế, Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới phát triển xanh từ khá sớm, với việc ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25.9.2012, trong đó xác định tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Ngay trước thềm Hội nghị COP 26, tháng 10.2021, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu đến năm 2030, phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% và đến năm 2050, giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Nhằm cụ thể hóa Chiến lược, ngày 22.7.2022, Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 với 18 nhóm chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.

“Việc triển khai Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trong thời gian tới sẽ thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia, hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhìn nhận.

Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vài năm 2050. Điều này thể hiện quan điểm, chiến lược rõ ràng của Chính phủ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ngay sau đó, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính - cho thấy rõ quyết tâm cụ thể hóa cam kết bằng hành động cụ thể của Chính phủ.

Tăng thu hút đầu tư cho năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp để cụ thể hóa cam kết Net Zero vào năm 2050. Nguồn ITN
Tăng thu hút đầu tư cho năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp để cụ thể hóa cam kết Net Zero vào năm 2050
Nguồn: ITN

Xây dựng lộ trình cụ thể

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, để đạt Net Zero, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho biết, thách thức đầu tiên là doanh nghiệp, hiệp hội hiện chưa nắm rõ, chưa đánh giá được vai trò của mình cũng như các yêu cầu, quy định mới có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh để đồng hành với quyết tâm của Chính phủ vì chưa có kênh thông tin cung cấp các khía cạnh liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp.

Thách thức ngày càng gia tăng khi thời gian gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu - các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - đang đề xuất áp dụng một cơ chế  mới (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM), trong đó đưa ra các rào cản kỹ thuật, quy định liên quan giảm phát thải buộc doanh nghiệp ở các nước xuất khẩu vào những thị trường này phải tuân theo và có thể đánh thuế carbon trong trường hợp không đáp ứng các quy định. Thời hạn áp dụng các cơ chế này, nếu được thông qua, sẽ là ngay đầu năm 2024 (đối với cơ chế của Mỹ) và 2026 (đối với cơ chế của EU), đồng nghĩa sẽ ảnh hướng rất lớn và phức tạp tới hầu hết doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, mặc dù doanh nghiệp đã quan tâm tới tăng trưởng xanh song thực tế từ nhận thức đến hành động vẫn còn là cả quá trình. Chưa kể, trên 90% doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “cái khó bó cái khôn”.

Dù vậy, tăng trưởng xanh đang là xu thế tất yếu và bảo đảm cho sự phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Vì thế, cùng với nỗ lực của Chính phủ trong vai trò kiến tạo, dẫn dắt thì người dân, doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Trong đó, người dân cần nâng cao ý thức từ những việc nhỏ nhất như giảm thiểu rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đối với các doanh nghiệp, trước hết cần tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư phải bảo đảm đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện cần thiết về môi trường mới được phép triển khai và hoạt động. Doanh nghiệp cũng cần nhìn vào tiềm lực của mình để xanh hóa.

Một vấn đề lớn để đạt Net Zero như đã cam kết chính là nguồn lực thực hiện. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố cho thấy, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới Net Zero có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm. Chi phí của lộ trình khử carbon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng, gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD trong giai đoạn này. Như vậy, năng lượng là ngành then chốt, quan trọng nhất và cần huy động nhiều nguồn lực nhất để thực hiện các giải pháp giảm thiểu hướng tới mục tiêu Net Zero.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, trước hết, cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững. Quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan. Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hướng đến tiêu dùng xanh, lối sống xanh, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Cùng với đó, cần thực thi có hiệu quả công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát và các chế tài liên quan để hạn chế, cắt giảm đầu tư; có lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều carbon.

Báo Đại biểu Nhân Dân

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.386.511
Khách
: 2.140
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0