Mới đây, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược Công ty Sợi Thế Kỷ (STK), cho biết, Công ty dự báo tình hình kinh doanh năm nay vẫn khả quan với doanh thu thuần ước tăng 14%, đạt 2.541 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 234,8 tỉ đồng, tăng 9,4%. Đây là con số được tính trên cơ sở giá bán giữ nguyên và khối lượng bán tăng lên.
Tuyên bố này của Sợi Thế Kỷ đã gây chú ý, bởi ngành dệt may đang rất lao đao trước tác động của dịch COVID-19. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), năm ngoái Việt Nam nhập khẩu hàng chục tỉ USD nguyên liệu cho may mặc. Trong đó, hàng xơ sợi nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 57%, còn vải nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm gần 77%.
Riêng Sợi Thế Kỷ tạo ra sự khác biệt khi hiện là nhà cung cấp nguyên liệu sợi tổng hợp (PFY) cho may mặc, công nghiệp ô tô, y tế và chỉ đứng sau Hưng Nghiệp Formosa về quy mô sản lượng tại Việt Nam. Theo Technopak, xu hướng thế giới là chuyển sang dùng sợi tổng hợp thay thế sợi bông.
Dự báo đến năm 2021, sợi PFY có thể chiếm 42% tổng nhu cầu sợi trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, nhu cầu sợi PFY cũng tăng mạnh và các nhà máy sợi ở Việt Nam như Hưng Nghiệp Formosa, Sợi Thế Kỷ, Hualon, Đông Tiến Hưng, PVTex chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng trăm triệu USD nhập khẩu sợi từ các nước. Tuy nhiên, năm ngoái khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng xuất khẩu và giảm giá sợi, khiến ngành sợi Việt Nam mất khoảng 400 triệu USD, theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA).
May mắn cho Sợi Thế Kỷ là đã kịp chuyển dần sang sản xuất sợi tái chế. Công ty bắt đầu dấn thân vào sợi tái chế từ năm 2016 và đến cuối năm ngoái, doanh thu từ sợi tái chế đã chiếm khoảng 35% tổng doanh thu. Năm 2020, Công ty đặt mục tiêu nâng tỉ trọng sợi tái chế lên 50% tổng doanh thu và có thể đạt 100% sau 5 năm nữa.
Bước đi của Sợi Thế Kỷ được đánh giá là phù hợp với xu hướng thị trường. Theo khảo sát của Textile Exchange, số lượng các nhãn hàng cam kết sử dụng sợi tái chế ít nhất 25% đến năm 2020 đã tăng lên 38 (tháng 10.2018), từ con số 29 trước đó. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sợi tái chế định vị ở phân khúc thị trường ngách, không phải là sản phẩm thay thế cho sợi thông thường nên không chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh với sợi tổng hợp của Trung Quốc và Ấn Độ.
Đứng ngoài rủi ro
Nguyên liệu đầu vào cho sợi tái chế là chai nhựa nên cũng không chịu tác động bởi giá dầu và thương chiến. Đặc biệt, với việc sử dụng công nghệ chip spinning, các nhà máy hiện hữu của Sợi Thế Kỷ có thể chuyển sang sản xuất sợi tái chế nếu có đủ đơn hàng. Sợi tái chế cũng cho biên lợi nhuận gộp hấp dẫn hơn, khoảng 22% so với mức 11% của sợi thường.
Bên cạnh sợi tái chế, Sợi Thế Kỷ cũng đang nhắm tới phát triển thêm sợi màu, với công suất ước tính khoảng 4.000 tấn/năm. Sản phẩm này cho giá trị gia tăng cao. Cụ thể, giá bán dự kiến cao hơn 20-30% các dòng sợi nguyên sinh với tỉ suất lợi nhuận gộp khoảng 18%.
Theo ông Đặng Triệu Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ, do theo đuổi chiến lược phân tán, nhập khẩu nguyên liệu từ 4-5 nước trong khu vực châu Á nên khi dịch cúm xảy ra, Sợi Thế Kỷ không bị ảnh hưởng. Khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc (chiếm 20-30%) bị gián đoạn, Công ty đã tăng nhập khẩu từ Malaysia, Đài Loan.
Đối với thị trường tiêu thụ, Sợi Thế Kỷ bán hàng trong nước lẫn xuất khẩu, với cơ cấu doanh thu nội địa chiếm 60%, 35% là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật và Thái Lan. Công ty cũng đã bán được một số đơn hàng sợi cho khách hàng Mỹ chuyên cung cấp nội thất xe hơi. Đặc biệt, theo tiết lộ của lãnh đạo Công ty, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 3 này, Công ty sẽ ký hợp đồng và đơn hàng kéo dài đến cuối năm 2024. Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu trong 2-3 năm tới, Công ty sẽ tăng tỉ trọng sợi ô tô lên 1.000-2.000 tấn/tháng so với mức 200 tấn/tháng hiện nay. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng thị trường này ngoài Mỹ như Nhật và EU.
Rủi ro cho Sợi Thế Kỷ là nhu cầu tiêu dùng thế giới, dưới tác động của dịch cúm lên toàn cầu sẽ giảm. Ông Đặng Triệu Hòa cũng nhìn ra vấn đề này. Dù vậy, trong rủi ro từ dịch cúm gây ra, Sợi Thế Kỷ cũng đồng thời nhìn thấy cơ hội cho mình. Đó là các doanh nghiệp sẽ buộc chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc theo một tỉ lệ nhất định, nhằm giảm rủi ro tập trung vào một nguồn cung cấp.
Khi đó, Sợi Thế Kỷ có cơ hội cải thiện đơn hàng, từ cả khách hàng cũ lẫn khách hàng mới. Trước mắt, Công ty đã bàn bạc vấn đề hợp tác lâu dài với một số doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan, Hàn Quốc. Trong dài hạn, Sợi Thế Kỷ muốn tham gia vào những chuỗi cung ứng mới. Sợi Thế Kỷ không đặt mục tiêu sẽ cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ bằng giá cả. Như đã phân tích, Công ty chọn đi theo đường ngách, tạo những sản phẩm riêng biệt.