Theo các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành Dệt May Việt Nam.
Để có thể tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, doanh nghiệp Dệt May cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành Dệt May.
Năm 2018, ngành Dệt May trong nước có kết quả tăng trưởng ấn tượng, tăng hơn 16% so với năm 2017, đạt hơn 36 tỷ USD, nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất nhóm mặt hàng này trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Đây là mức tăng trưởng rất cao trong điều kiện tổng cầu thế giới chỉ tăng trưởng 3% và tốp 10 nước xuất khẩu Dệt May cũng tăng dưới 5%.
Với những con số ấn tượng này, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Dệt May đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 hoàn toàn khả thi, tăng 4 tỷ USD so với năm 2018; trong đó, các hiệp định thương mại tự do đóng vai trò lớn. Đặc biệt, đối với EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành, sau thị trường Mỹ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết EVFTA được ký kết mang lại tiềm năng xuất khẩu sản phẩm may mặc với giá trị trên 100 tỷ USD/năm.
Hiện thuế suất xuất khẩu hàng Dệt May sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm dần về 0% (trong vòng 7 năm).
Bên cạnh đó, phần lớn các nước xuất khẩu Dệt May vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU, do vậy nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu Dệt May Việt Nam.
Tuy nhiên, để có thể được giảm thuế theo quy định tại Hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cho biết để sản phẩm may mặc được miễn thuế phải thỏa mãn hai điều kiện là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; hay việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.
Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp. Tiêu biểu là đối với trường hợp nếu vải được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam như Hàn Quốc thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, mặc dù quy tắc xuất xứ trong EVFTA lỏng hơn so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Dệt May của Việt Nam.
Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn cắt và may chứ chưa sản xuất vải và sợi. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Dệt May nhập nguyên liệu là vải đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc là những nước chưa có hiệp định FTA với EU.
Do vậy, để có thể tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành Dệt May nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp may-cắt.
Thêm vào đó, cần phải tăng cường việc sử dụng vải có xuất xứ từ Hàn Quốc sớm để có thể tận dụng được lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển kịp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tận dụng Hiệp định EVFTA ký kết và nhập khẩu các nguyên vật liệu đặc biệt là vải có xuất xứ từ châu Âu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.
Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc May Hồ Gươm, cũng cho biết Tập đoàn May Hồ Gươm đang rất kỳ vọng vào EVFTA. Bởi, hiện nay khách hàng của May Hồ Gươm đa phần là ở các nước châu Âu với lượng hàng xuất đi chiếm tới 60% số lượng xuất khẩu của May Hồ Gươm.
Công nhân sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ông Trịnh khẳng định EVFTA được ký kết, May Hồ Gươm sẽ tăng trưởng xuất khẩu thêm khoảng 20% vì tìm thêm được nhiều khách hàng mới; đồng thời, lượng khách hàng cũ cũng sẽ tăng số lượng đặt hàng vì hiện nay, số khách hàng cũ vẫn đang phải “san sẻ” bớt đi các nước khác có mức thuế ưu đãi hơn.
Để đón đầu EVFTA, thời gian qua May Hồ Gươm đã khai trương thêm một số nhà máy đặt ở Hưng Yên, Hòa Bình....
Ông Phí Ngọc Trịnh khẳng định, EVFTA được ký kết và có hiệu lực, thách thức với ngành Dệt May cũng không nhỏ. Khó khăn nhất là việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu hiện gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là các dự án liên quan đến dệt nhuộm thường bị một số địa phương từ chối vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.
Về vấn đề này, VITAS cho rằng nếu các địa phương không cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu, đặc biệt về dệt nhuộm sẽ không có sợi, vải mà xuất khẩu và như thế ngành Dệt May vẫn chủ yếu thuần gia công.
Theo VITAS, khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết EVFTA là Hiệp định mà May 10 kỳ vọng hơn cả và May 10 đã chuẩn bị khá sớm để đón Hiệp định này.
Hiện nay, doanh số xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của May 10; trong đó, 45% vào thị trường Mỹ, 35% vào châu Âu, 10% là xuất khẩu vào Nhật Bản....
Thị phần này chắc chắn sẽ tăng lên khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi vì khách hàng sẽ tăng số lượng đặt hàng.
Để tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định này, May 10 đã lên kế hoạch liên kết các chuỗi cung ứng trong nước để sản xuất từ sợi trở đi và có thể tận dụng tất cả các lợi thế trong các hiệp định, đặc biệt là chứng minh quy tắc xuất xứ./.
Nguồn: Vietnamplus