Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi họp, tham dự buổi làm việc có các vụ chức năng của Bộ Công Thương, Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam.
Ông Philippe, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group Việt Nam đã chia sẻ về định phát triển hoạt động kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam và khẳng định tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục cam kết thu mua hảng hóa địa phương trong đó có hàng may mặc Việt Nam, tuy nhiên tập đoàn sẽ xem lại mô hình kinh doanh không phải chỉ là mua hàng của các nhà cung cấp để bán mà sẽ định hướng lại phân khúc sản phẩm chất lượng hơn, vì thế BigC sẽ làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo các đơn hàng tiếp theo sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong nước cũng như các đơn hàng của các nhà nhập khẩu Thái Lan. Ông Philippe cũng khẳng định "Thông báo" ngừng nhập trong 15 ngày để xem xét, đánh giá lại năng lực cung cấp hàng của 200 nhà cung cấp hiện nay chứ không phải dừng không nhập hàng "made in Vietnam", trong đó ngay trong ngày hôm nay, BigC sẽ mở lại đơn hàng với 50 nhà cung cấp, trong 2 tuần tiếp theo sẽ mở lại đơn hàng với khoảng 100 nhà cung cấp nữa, với 50 nhà cung cấp còn lại, BigC sẽ cần thời gian lâu hơn để đến đánh giá trực tiếp xem xét về năng lực sản xuất, chất lượng, giá cả có thể đáp ứng được với yêu cầu của tập đoàn không.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, cho rằng các bên ký kết thỏa thuận kinh doanh thì cần tuân thủ theo đúng hợp đồng và quy định của pháp luật, nếu có sự thay đổi thì cần bàn bạc thỏa thuận, có lộ trình phù hợp để đảm bảo quyền lợi của cả 2 bên, đối với những nhà cung cấp không còn phù hợp để tiếp tục làm việc với BigC thì cũng cần có chính sách đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp này. Đồng thời, với định hướng chiến lược nâng tầm sản phẩm chất lượng cao hơn của BigC, Hiệp hội Dệt May sẵn sàng giới thiệu những nhà cung cấp hàng dệt may có tên tuổi, có thể cung cấp hàng chất lượng cao, giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu của BigC cho thị trường nội địa cũng như hệ thống BigC tại các thị trường khác.
Ông Philippe rất hoan nghênh sự chia sẻ của Hiệp hội Dệt May và mong muốn phối hợp với Hiệp hội trong thời gian tới để tiếp cận được với các nhà cung cấp chất lượng. Ngay trong buổi sáng nay, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và BigC Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác và sẽ cùng nhau làm việc trực tiếp trong thời gian tới để bàn luận sâu hơn để cùng thực hiện các chương trình thu mua các sản phẩm hàng may mặc Việt Nam chất lượng cao phù hợp với định hướng kinh doanh của BigC.
Thay mặt Bộ Công Thương, Ông Đỗ Thắng Hải đánh giá cao nỗ lực của tập đoàn Central Group đã tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam với những đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thời gian qua. Bộ Công Thương rất hoan nghênh sự hợp tác giữa Hiệp hội Dệt May Việt Nam và tập đoàn Central Group Việt Nam, cũng như mong muốn trong tương lai những việc không hay như sự việc vừa qua có thể được giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng hơn, nhất là việc truyền thông thông tin chính thức được rõ ràng tránh tạo ra những hoang mang trong dư luận.