Sáng 02/11/2016, Lễ khai mạc Triển lãm nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam năm 2016 (HanoiTex 2016) đã diễn ra tại Tòa nhà triển lãm ICE Hà Nội (Cung Văn hóa, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm được tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cùng với sự phối hợp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Công ty Triển lãm CP Hồng Kông (CP Exhibition) và Công ty Cổ phần Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam (VCCI Expo) định kỳ 2 năm 1 lần tại Hà Nội.
Hanoitex 2016 diễn ra từ ngày 02-04/11/2016, với diện tích trưng bày trên 6.000 m2, tăng gần 20% so với năm 2014, Triển lãm giới thiệu thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ ngành công nghiệp dệt may của hơn 171 công ty đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng.
Đến dự buổi Lễ có ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas; ông Lê Tiến Trường Tổng Giám đốc Vinatex; lãnh đạo VCCI Expo, CP Exhibition; Chủ tịch Hiệp hội Dệt các nước ASEAN tham dự AFTEX 2016 và đại diện các doanh nghiệp tham gia Triển lãm.
Ông Cao Quốc Hưng cho biết, trong những năm qua, ngành Dệt May Việt Nam đã liên tục phát triển và trở thành một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành Dệt May Việt Nam vẫn chủ yếu là làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài nên giá trị gia tăng còn thấp. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ cho ngành dệt may phát triển. Hanoitex 2016 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi để thay đổi công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Bộ Công Thương hy vọng, trong thời gian tới Hanoitex sẽ tiếp tục là một trong những triển lãm uy tín nhất trong khu vực và ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hơn nữa.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Lê Tiến Trường cho biết, HanoiTex 2016 diễn ra trong bối cảnh ngành Dệt May Việt Nam đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2016 khó đạt được. Trước những khó khăn đó, ngành Dệt May Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, giữ vững vị trí là một trong những nhà xuất khẩu dệt may uy tín trong khu vực và trên thế giới, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May Việt Nam ước đạt 21,11 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2015. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng từ 3,5 - 11% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2016 đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng là năm mở ra cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhiều cơ hội để tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường. Tìm được nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển bền vững của toàn ngành và sẵn sàng đón nhận cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương, đa phương mang lại như Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU),Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên để được hưởng những thành quả đó, các doanh nghiệp cần phải khắc phục những trở ngại về vận chuyển, thanh toán và rào cản thương mại… để biến các mục tiêu tăng trưởng trở thành hiện thực.
Ngay sau Lễ khai mạc, Ban Tổ chức Triển lãm đã tổ chức họp báo để giới thiệu về quy mô, mục đích của Triển Lãm và trả lời các câu hỏi liên quan đến ngành Dệt May Việt Nam.
Nguồn: Xuân Quý - Phạm Sỹ/ http://www.vinatex.com/