Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Họp báo Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam lần thứ VI (2020 – 2025) và Tổng kết năm 2020

01/12/2020 04:36 CH
Chiều ngày 1/12/2020, VITAS tổ chức buổi Họp báo trước thềm Đại hội Hiệp hội Dệt May Việt Nam lần thứ VI (2020 – 2025) và Tổng kết năm 2020. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ V (2016 – 2020) để đặt ra mục tiêu, hướng đi trong nhiệm kỳ sắp tới của VITAS. 


Tại sự  kiện này chúng ta sẽ cùng nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ V (2016 – 2020). Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ 2016 đến năm 2019. Năm 2016 đạt 28,12 tỷ USD, năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm 9,55%. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Kim ngạch XK dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương -9,29%,  thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. Kết quả này là một nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong phiên họp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN ngành dệt may, da giày ngày 23/11/2020.
VITAS tự hào đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

Vitas đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong nước với nhau và với các DN đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF…, kết nối các DN với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu, xây dựng chương trình xanh hóa ngành dệt may hướng đến phát triển bền vững… Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm; tham gia ý kiến vào các dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, Luật Công đoàn, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn; làm tốt vai trò là thành viên Hôi đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do...






















                          Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam trả lời phòng viên trong buổi họp báo

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài từ 1-2 năm tới. Việt Nam, tuy đã kiểm soát khá thành công dịch Covid-19, nhưng dự kiến năm 2021 cũng chỉ đạt được mức của năm 2019. Mục tiêu đến năm 2025 ngành phấn đầu KNXK đạt 55 tỷ USD tăng bình quân 9,4%/năm, sử dụng 3 triệu lao động, thặng dư thương mại đạt 33 tỷ USD và giá trị tăng thêm của sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt 65%.

Để giúp các DN trong ngành đạt được mục tiêu đề ra và thực hiện khẩu hiệu của Đại hội “Vượt lên thách thức – Phát triển bền vững”, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục đặt mục tiêu vì lợi ích của hội viên làm trọng tâm cho các hoạt động. Cụ thể là làm tốt vai trò kết nối giữa DN hội viên và DN trong ngành nhằm xây dựng chuỗi cung ứng; Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng các nước triển khai hiệu quả các chương trình phát triển bền vững, chương trình đào tạo; chương trình xúc tiến thương mại; Chuyển tải kịp thời những thông tin về phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến DN hội viên. Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các KCN dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA thế hệ mới; Kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ vướng mắc tạo thuận lợi cho DN.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ngày 11/12 sẽ diễn ra Hội thảo chuyên đề “Ngành dệt may và da giày Việt Nam 1 năm sau covid-19 và phát triển bền vững”. Hội thảo tập trung vào nội dung đánh giá những thách thức lớn và các đối sách ứng phó mà ngành dệt may và da giày Việt Nam phải đối mặt do đại dịch Covid-19 gây nên trong năm 2020. Hội thảo diễn ra cả ngày với nội dung chính buổi sáng là công bố Báo cáo nghiên cứu toàn diện tác động của Đại dịch Covid-19 đến Doanh nghiệp và người lao động Dệt May và Da giày Việt Nam và thảo luận các nội dung liên quan đến hỗ trợ cho DN và NLĐ trong và sau đại  dịch, những khuyến nghị chính sách thích hợp từ  góc độ  quản lý Nhà nước, Nhãn hàng và DN. Buổi chiều với nội dung: Xây dựng Khu Công nghiệp Dệt may Xanh trong bối cảnh yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu của  các hiệp định TM thế hệ mới.

Chương trình sẽ quy tụ lượng khách mời đông đảo, với sự tham gia của các lãnh đạo Bộ ngành, các doanh nghiệp lớn, các đại diện từ Công đoàn Việt Nam, các học giả tên tuổi, các chuyên gia kinh tế và lao động hàng đầu đến từ các Tổ chức quốc tế uy tín tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí. Sự kiện diễn ra vào ngày 11-12/12/2020 tại khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội.



Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.765
Khách
: 1.092
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0