Mục đích hội thảo nhằm tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số trong việc phát triển, nâng cấp ngành may, giải quyết hiệu quả các vấn đề mà ngành dệt mặc đang gặp phải như: giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, tích hợp dữ liệu quản lý sản xuất một cách rõ ràng, minh bạch để tiết kiệm thời gian giải quyết các vấn đề phát sinh; Hỗ trợ doanh nghiệp may nắm bắt cơ hội mới trong việc chuyển đổi số, hiện thực hóa việc phát triển công nghệ cao về thời trang và nhà xưởng đạt tiêu chuẩn xanh bền vững.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam có hiện có 17 hiệp định thương mại tự do (FTAs), trong đó 15 hiệp định đã có hiệu lực. Khái quát về tình hình Dệt May Việt Nam trong năm 2022, Ông Giang chia sẻ, 9 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 35 tỷ USD tăng 21 % so cùng kỳ. Xu thế hội nhập cho dệt may VN đã và đang mở ra những cơ hội có tính toàn cầu. Ngành dệt may Việt Nam sẽ phải tiếp tục thúc đẩy khả năng thích ứng trong vấn đề chuyển đổi số, tự động hóa và đặc biệt tiếp cận được các giải pháp công nghệ 4.0, thiết kế 3D và xây dựng nhà máy thông minh – đây là điều bắt buộc trong việc hội nhập phát triển bền vững.
Đáng giá về sản phẩm Jack, Ông Giang cho rằng, tư duy & tầm nhìn của lãnh đạo Jack đã thúc đẩy sản phẩm Jack đi đầu trong vấn đề quản trị số và tự động hóa, giải pháp thông minh. Nếu doanh nghiệp nào đó không thay đổi tư duy và tầm nhìn thì khó có cơ hội phát triển. Ông Giang đề nghị 3 vấn đề đối với Jack: Thứ nhất là: Bắt kịp xu thế tự động hóa, quản trị số trong bối cảnh các ngành công nghiệp đang cạnh tranh, Jack cần đưa ra các sản phẩm giúp các DN áp dụng một cách năng động, thuận lợi, có năng suất lao động cao nhưng lao động giảm. Thứ hai là: Để sản phẩm Jack có tỷ trọng tăng trưởng trong các DN ngành may ở VN và các nước trong khu vực, Jack phải làm những sản phẩm có tính đột phá, bền, có tính ổn định của phần mềm, hệ thống chíp, ổn định sản phẩm trên dây chuyền SX. Và cuối cùng, để thành công ở Việt Nam, Jack phải xây dựng cơ sở/trung tâm phân phối, bảo trì, chăm sóc khách hàng có tính toàn diện trên lãnh thổ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS chia sẻ về những định hướng chuyển đổi số trong ngành may mặc
Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS đã chia sẻ về những định hướng chuyển đổi số trong ngành may mặc. Bà Mai cho rằng, Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), tạo thế vững vàng như kiềng 3 chân. Trong phần khuyến nghị đối với DN, bà Mai giới thiệu 5 gói giải pháp chính. Đó là: Thích ứng an toàn với dịch Covid; Giải pháp về thị trường; Giải pháp phát triên nguồn nhân lực; Giải pháp về công nghệ số, tự động hóa và Tuân thủ các quy định về lao động và môi trường. Theo Bà Mai, sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải chuyển dịch từ sản xuất gia công truyền thống sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ như hiện nay thì chuyển đổi số, sản xuất thông minh là quá trình tất yếu, là công cụ cho các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành dệt may. Tự động hóa, sản xuất thông minh sẽ tạo điều kiện tăng cường tính minh bạch & hiệu quả trong hệ thống quản trị, tăng sự kết nối giữa các đơn vị trong DN, tối ưu hóa năng suất nhân viên, giảm áp lực về nhân công, gia tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Để nắm bắt những cơ hội, giảm thiểu những khó khăn mà sự chuyển đổi tạo ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thay đổi liên tục, kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng cho nhân lực doanh nghiệp, cải tiến các quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. Có như vậy sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Haitao Zheng - TGĐ bộ phận Khách hàng chiến lược Jack - giới thiệu về các giải pháp thông minh của nhà xưởng Jack
Ông Haitao Zheng – TGĐ bộ phận Khách hàng chiến lược Jack cho biết, Jack Technology Co., Ltd là nhà cung cấp giải pháp thông minh toàn diện. Jack luôn đưa ra các phương pháp giải quyết tối ưu hóa, tự động hóa, số hóa, thông minh hóa nhằm giúp các doanh nghiệp trong ngành may mặc thực hiện dây chuyền sản xuất thông minh và áp dụng phương pháp quản lý số hóa. Ông Haitao đã giới thiệu về các giải pháp thông minh của nhà xưởng Jack. Sau khi chia sẻ những thách thức của ngành may mặc, ông Haitao nêu các phương án mà Jack có thể cung cấp cho các doanh nghiệp may. Đó là xây dựng “hòn đảo dữ liệu” với 7 bộ phận lớn trong công xưởng; Phát triển diễn đàn số hóa, xây dựng kho lưu trữ dữ liệu đám mây; Nâng cao hiệu quả và trình độ quản lý của các công xưởng...
Các diễn giả giải đáp câu hỏi của đại biểu
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp tham dự đã được nghe đại diện các công ty GDTex, Smart Shirt, TMIS chia sẻ về kinh nghiệm quá trình chuyển đổi số, nhà xưởng thông minh kỹ thuật số của một số khách hàng. Các đại biểu cùng với các diễn giả đã trao đổi chia sẻ về thực trạng tại doanh nghiệp cũng như trong ngành dệt may, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số và áp dụng giải pháp nhà xưởng thông minh. Các đại biểu đều cho rằng, xu thế tất yếu của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là dụng công nghệ số và tự động hóa trong toàn bộ hoặc một số bước trong quy trình SXKD. Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, cần phải đẩy nhanh việc thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, sản xuất thông minh. Đây là một quá trình dài, cần có chiến lược và giải pháp phù hợp.
Các đại biểu tìm hiểu và trải nghiệm thực tế hoạt động của thiết bị sản xuất thông minh Jack
Trong bối cảnh hiện tại, mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành dệt may đối với sản xuất thông minh nhìn chung còn chưa cao. Quá trình chuyển đổi này là thách thức lớn đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính và nhân lực. Như vậy, trong khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, sự trợ giúp của nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số tiên phong và đáng tin cậy, đồng thời cần có sự hỗ trợ về thể chế và triển khai từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh đạt kết quả cao, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Một số hình ảnh:
Bài và ảnh: Nguyễn Bình