Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam đã tham gia ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, các dòng thuế sẽ giảm dần về 0 theo lộ trình. Đây là những cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may. Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 44,4 tỷ USD tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Ông Giang nêu những thách thức đối với ngành dệt may. Đó là: Chưa có một tổ chức chuyên nghiệp về mô hình Hiệp hội thời trang – vấn đề mà các chuyên gia trong ngành dệt may thời trang vẫn đang loay hoay tìm cách thức phù hợp; Hiện tại trong nước vẫn còn thiếu nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng cho các nhà thiết kế; Công tác đào tạo nguồn nhân lực nhiều đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức. Nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành – đến năm 2030, Việt Nam phải có ít nhất 30 thương hiệu mạnh canh tranh với thương trường trong ngành dệt may thế giới – vẫn đang là vấn đề trăn trở của lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp dệt may; Hàng dệt may đang sản xuất tại doanh nghiệp chủ yếu trên cơ sở ý tưởng, mẫu mã, kiểu dáng của bên đặt hàng.
Toàn cảnh hội thảo
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thiết kế 3D như là một xu hướng tất yếu, Ông Giang đề nghị, các nhà thiết kế nên có kênh thông tin với VITAS để có thể phối hợp và nhận hỗ trợ hiệu quả hơn. Trong quá trình thiết kế, sản xuất cố gắng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước. Cần tập trung đầu tư về công nghệ, đặc biệt là công nghệ quản trị và thiết kế 3D và đẩy mạnh công tác truyền thông để quảng bá rộng rãi những hình ảnh, sản phẩm thiết kế của doanh nghiệp đối với công chúng trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS phát biểu
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS đã nêu một số vấn đề về gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững trong ngành dệt may Việt Nam. Theo bà Mai, doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), tạo thế vững vàng như kiềng 3 chân. Các thách thức đối với ngành dệt may gồm: Thách thức về tính bền vững; Nhu cầu giảm do lạm phát tăng, sức mua giảm; Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, chiến tranh; Chi phí tăng: giá dầu, nguyên liệu, logistic… Nguồn lao động – không ổn định; Yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ các quy tắc xuất xứ trong các FTAs. Bà Mai cho rằng, chuyển đổi số trong ngành dệt may là giải pháp thay đổi hoàn toàn cục diện, nâng cao vị thế cho doanh nghiệp. Có 3 cấp độ chuyển đổi số: số hóa dữ liệu (Digitization), số hóa quy trình (Digitalization) và chuyển đổi số (Digital Transformation). Công nghệ 3D là công cụ thiết yếu để các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và phát triển bền vững.
Ông Barry Chu - Giám đốc KD Khu vực Công ty Zhejiang Linctex Digital Technology
Ông Barry Chu - Giám đốc kinh doanh Khu vực Công ty Zhejiang Linctex Digital Technology đã giới thiệu về các sản phẩm của công nghệ Style3D. Đó là: Style3D Studio – nhà thiết kế có thể sáng tạo mà không bị giới hạn, thử nghiệm với bất kỳ số lượng biến thể nào và tạo ra giao diện 3D siêu thực; Style3D Fabric – một giải pháp toàn diện để số hóa, mô phỏng và quản lý các mẫu vải, mở rộng mạng lưới bằng cách trưng bày các loại vải kỹ thuật số trên đám mây với hơn 1000 ODM; Style3D Cloud – Nền tảng tất cả trong một dành cho thiết kế trực tuyến, quản lý nội dung 3D (DAM) và cộng tác; Style3D Market – là một nguồn tài sản có giá trị, ngày càng phát triển và là thành phần quan trọng ở giai đoạn thiết kế và phát triển sớm nhất, người dùng có thể đóng góp công khai cho thị trường và dễ dàng kiếm tiền từ sáng tạo của họ. Những công nghệ này giúp giảm thời gian, chi phí phát triển mẫu, giảm lượng hàng tồn kho, tăng năng suất & chất lượng & hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy tạo uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - GĐ Công ty CP Faslink
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - GĐ Công ty CP Faslink đã chia sẻ một số kinh nghiệm về áp dụng công nghệ Style3D tại đơn vị. Công ty đã tạo ra các sản phẩm virtual fashion lookbook, xây dựng một showroom tương tác ảo, khách hàng có thể tham quan trực tiếp không gian tại Glab, lựa chọn sản phẩm muốn tìm hiểu với đầu đủ thông tin. Việc áp dụng Style3D thời trang giúp giảm thiểu mẫu vật lý, giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian phát triển; điều chỉnh form dáng, chi tiết sản phẩm nhanh chóng, trực quan… Theo bà Xuân, để áp dụng Style3D doanh nghiệp cần đầu tư, chuẩn bị đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có thể sử dụng và làm chủ được công nghệ, đồng thời nâng cao nhận thức về định hướng áp dụng Style3D trong doanh nghiệp, tạo sự am hiểu và thấu suốt từ lãnh đạo đến các phòng, ban, đơn vị liên quan.
Các diễn giả giải đáp câu hỏi của đại biểu
Đại biểu tham dự hội thảo cùng các chuyên gia đã trao đổi về cách thức Style3D hỗ trợ cho doanh nghiệp, những kinh nghiệm thực tế về áp dụng thiết kế Style3D, các khó khăn thường gặp và giải pháp khắc phục trong chuyển đổi số và thiết kế Style3D. Đặc biệt nhiều đại biểu đề nghị VITAS tiếp tục phối hợp các công ty công nghệ mở những lớp đào tạo, hội thảo về thiết kế 3D, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai chiến lược xanh hóa và phát triển theo hướng bền vững.
Một số hình ảnh:
Bài & ảnh: Nguyễn Bình