Ngày 13/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với KITECH tổ chức Hội thảo sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may việt Nam phát biểu tại Hội thảo Hội thảo sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Để giúp các doanh nghiệp dệt may chủ động hơn trong tiến trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 13/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức Hội thảo sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may.
Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam, được thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác song phương tại Cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp Hàn Quốc - Việt Nam ngày 7/2/2016 tại Seoul, Hàn Quốc.
Hội thảo nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tham gia vào kỷ nguyên số, và cách mạng 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Tại hội thảo các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc với các tư vấn sâu về hệ thống nhuộm, hệ thống quản lý vải thông minh, chuyển đồi công nghệ số và thiết kế 3D trong ngành thời trang, các xu thế phát triển bền vững trong ngành may mặc… Đây là những đề tài mới và thiết thực với ngành dệt may.
Toàn cảnh Hội thảo sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tư của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng từ 979 triệu USD (năm 2011) tăng lên 2,28 tỷ USD (năm 2016). Ngược lại năm 2016 Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều vải và nguyên liệu dệt may từ Hàn Quốc.
Tại hội thảo, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, định hướng của VITAS là nỗ lực đổi mới doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Theo đó, cách mạng công nghiệp 4.0 về sản xuất thông minh nhờ các đột phá của công nghệ số đã diễn ra được vài năm, ngành dệt may cũng không tránh khỏi xu hướng này của thế giới.
Do vậy, giải pháp nhà máy thông minh trong ngành may mặc được kỳ vọng mang tới những lợi ích: tăng năng suất, định lượng sản xuất, cắt giảm chi phí, quản lý nhân sự hiệu quả, cải thiện môi trường làm việc.
Theo dự báo, cuộc công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tốc độ phát triển đột biến trong thời gian tới. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội và vượt qua những thách thức mà cuộc cách mạng này mang lại có ý nghĩa quyết định đối với những ngành sử dung nhiều lao động, song người lao động lại bị dễ thay thế bằng máy móc như ngành dệt may.
Cách mạng về đổi mới và sáng tạo có thể bắt đầu từ đâu và như thế nào là một chủ đề nóng đã được thảo luận rất nhiều trong thời gian qua./.