Sau một thời gian nghiên cứu ứng dụng công nghệ “Ghép nhánh phân tử tinh bột”, Tập đoàn C&D (Taiwan Trung Quốc) đã phát triển thành công sản phẩm Grafted Starch, tạo ra một bước tiến mới trong công đoạn hồ sợi trước dệt. Các sản phẩm của C&D cũng được công nhận và sử dụng rộng rãi trên thị trường thế giới với hơn 1000 khách hàng lớn nhỏ. “Grafted Starch – Savior of Water” - sứ giả bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Đây chính là thông điệp mà Tập đoàn C&D muốn truyền tải tới doanh nghiệp trong hội thảo lần này.
Grafted Starch là sản phẩm có thể thay thế PVA – một nguyên liệu truyền thống và quan trọng trong hỗn hợp hồ sợi. PVA chính là nhân tố chính dẫn đến chỉ số BOD, COD cao vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép về nước thải công nghiệp. Thân thiện môi trường, xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, đây chính là xu thế chung mà ngành dệt may Việt Nam cũng như cả thế giới đang hướng đến. Với tầm nhìn và sứ mệnh của mình, Tập đoàn C&D giới thiệu với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam công nghệ “Ghép nhánh phân tử tinh bột” cùng sản phẩm Grafted Starch với những yếu tố ưu việt.
Ông Jack Lin - Chủ tịch Tập đoàn C&D cho biết, tại nhiều nước như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Philippines… ngành dệt may đang kêu gọi giảm hoặc loại bỏ chất PVA ra khỏi quy trình sản xuất dệt may. Theo ông Jack Lin, sản phẩm Grafted Starch có tới 7 đặc tính ưu điểm hơn so với PVA, đó là tính mềm mại tốt, độ bám dính tốt, chống mài mòn tốt, giảm độ xù lông, pha trộn tốt, bảo vệ môi trường và chi phí hiệu quả. Tính thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn nước giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán trong tiêu chuẩn xử lý nước thải rũ hồ sau dệt một cách triệt để mà không phải đầu tư thêm thiết bị, máy móc. Đây cũng là giải pháp để giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất khi các nguyên liệu hóa dầu (PVA) trên thị trường hiện giá khá cao và còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS cho biết, với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, hàng dệt may của Việt Nam sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế quan tại các thị trường các nước thành viên. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, Việt Nam phải thỏa mãn các cam kết, trong đó có những cam kết về môi trường, lao động... Mới đây thương hiệu Zara đã yêu cầu nhà cung cấp vải không được sử dụng VPA trong quy trình sản xuất. Nhiều nhãn hàng cũng đang có xu hướng truy xuất nguồn gốc vải, thậm chí cả nguồn gốc bông. Điều này đặt ra yêu cầu phải phát triển bền vững đối với mỗi doanh nghiệp cũng như cả ngành dệt may.
Theo bà Mai, có 3 trụ cột của phát triển bền vững, đó là sự kết hợp hài hòa giữa con người, môi trường và lợi nhuận. Hiện VITAS đang triển khai chương trình xanh hóa ngành dệt may VN. Theo đó, Hiệp hội đang phối hợp với rất nhiều tổ chức quốc tế như WWF, World Bank, IDH, GIZ ... và nhiều tổ chức trong nước để triển khai các hoạt động về tiết kiệm nguồn nước, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường và an toàn với người sử dụng ... Các hoạt động này nhằm chung tay góp phần đưa dệt may trở thành một trong những ngành dẫn đầu về phát triển bền vững.
Cũng nhân dịp này Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đã trao Giấy chứng nhận Hội viên cho đại diện Công ty TNHH Sunrise Chemical Supply.
Bài và ảnh: Nguyễn Bình - VITAS