Bà Anita Demuth – Cố vấn kỹ thuật Dự án BEM phát biểu
Tại hội thảo, các đại diện của tổ chức GIZ đã giới thiệu về dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM). Mục tiêu của Dự án BEM là cải thiện các điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất điện và nhiệt trong cả nước. Trọng tâm dự án là nâng cao năng lực lập quy hoạch, năng lực kỹ thuật chuyên môn và tài chính cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sinh khối nhằm thực hiện các dự án đầu tư đạt hiệu quả. Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính: xây dựng chính sách, nâng cao năng lực và hợp tác kỹ thuật.
Bà Cao Thị Linh giới thiệu về dự án phát triển bền vững của Decathlon
Giới thiệu về dự án phát triển bền vững của Decathlon VN, Bà Cao Thi Linh cho biết, đến 2026 sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các cơ sở của Decathlon, 100% sản phẩm eco disigned, 100% nguyên liệu phát triển bền vững (PE & CO), 10% sản phẩm tái sử dụng... Decathlon VN – thành viên của Hiệp hội Dệt May Việt Nam – là một trong những đơn vị tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Trong toàn bộ quá trình sản xuất và kinh doanh, Decathlon luôn tuân thủ quy định về Thiết kế sinh thái, có nghĩa là sản xuất hàng hóa và dịch vụ luôn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng đồng thời tác động phải thấp nhất có thể đến môi trường và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS phát biểu chào mừng
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK Hiệp hội Dệt May VN (VITAS) cho biết, từ năm 2018, VITAS đã phối hợp với một số tổ chức như: tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hòa Lan (IDH) v.v... triển khai chương trình “Xanh hoá ngành dệt may Việt Nam”, tiến tới xây dựng “thương hiệu Dệt May Việt Nam Bền vững”. Chương trình khuyến khích các DN dệt may chủ động tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý sử dụng nguồn nước, áp dụng các công nghệ mới, quy hoạch năng lượng bền vững và tạo cơ hội cho các DN triển khai kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững. Nhưng chương trình này chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp dệt may, các nhãn hàng.
Toàn cảnh hội thảo
Trong những năm gần đây, VITAS và GIZ đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm triển khai xanh hóa ngành dệt may và phát triển bền vững. Và từ năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được GIZ chọn tham gia vào dự án ASEAN FABRIC. Đây là dự án Thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may tại các nước châu Á (FABRIC) với mục tiêu hỗ trợ điều kiện sản xuất của ngành dệt may tại các nước trong khu vực này nhằm hướng tới sự công bằng đối với người lao động và bền vững môi trường.
Ông Lê Đức Dũng – GV trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội với bài thuyết trình
Tại Hội thảo, đại biểu doanh nghiệp đã được nghe các chuyên gia giới thiệu về: năng lượng sinh học, nhiên liệu sinh khối và đặc tính đốt của nó, sự khác biệt giữa quá trình cháy của nguyên liệu than so với nguyên liệu sinh khối trong lò hơi, hệ thống đồng phát nhiệt điện, những vấn đề kỹ thuật trong việc sử dụng nguyên liệu sinh khối, chi phí cần thiết để chuyển đổi từ than đá sang nguyên liệu sinh khối trong lò hơi công nghiệp, hiệu quả sinh hơi và việc quản lý năng lượng... Các đại biểu cũng đã chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và những vấn đề thực tiễn trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sinh khối tại các doanh nghiệp. Ban tổ chức cũng đã dành một ngày để các đại biểu tham quan nhà máy của của Công ty CP XNK Đông Dương (DDG) tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đại diện DN trao đổi với chuyên gia trong giờ hỏi đáp
Các đại biểu và chuyên gia chụp hình lưu niệm
Bài và ảnh: Nguyễn Bình